12/02/2018 - 16:16

Bảo đảm an toàn thực phẩm nông sản:

Còn nhiều việc cần phải làm 

Năm 2017, là năm thứ 2 liên tiếp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) quyết định chọn là “Năm cao điểm hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong lĩnh vực nông nghiệp”. Bộ NN& PTNT đã chỉ đạo các  cơ quan, đơn vị thuộc ngành phối hợp chặt, tập trung nguồn lực, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo ATVSTP nông, lâm thủy sản, góp phần tạo nguồn cung ứng nông sản thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu. Với sự quan tâm chỉ đạo tốt từ Trung ương đến địa phương và vào cuộc tích cực của các cấp trong ngành nông nghiệp, đặc biệt là chính quyền địa phương đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người dân đã làm giảm bớt tình trạng mất ATVSTP đối với các sản phẩm nông, lâm thủy sản...

Mua bán các sản phẩm rau an toàn tại một cửa hàng ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Chuyển biến tích cực 

Theo ông Nguyễn Như Hiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp, Bộ NN& PTNT, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được đổi mới theo hướng tiếp cận trực tiếp đến đối tượng với nhiều hình thức phong phú đa dạng đã và đang tạo chuyển biến tích cực trong thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, việc kết hợp giữa tuyên truyền mang tính chất khuyến khích hướng dẫn với tuyên truyền răn đe, công khai các trường hợp vi phạm đã phát huy hiệu quả trong công tác truyền thông về ATVSTP.

Hệ thống quản lý nhà nước về ATVSTP cũng tiếp tục được kiện toàn và hệ thống thanh tra chuyên ngành về ATVSTP được chú trọng, tăng cường năng lực nên phát huy hiệu lực và hiệu quả cao. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách pháp luật đã cơ bản hoàn thiện phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế, góp phần đổi mới nâng cao hiệu quả công tác quản lý ATVSTP. Thúc đẩy, hỗ trợ tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư  phát triển các sản phẩm nông nghiệp an toàn như: Vingroup, TH True Milk, Dabaco…

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN& PTNT cho biết, công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đang phát huy hiệu quả cao do được chú trọng đầu tư tăng cường năng lực và đổi mới phương hướng tổ chức thực hiện theo hướng từ thanh tra theo kế hoạch là chủ yếu sang thanh tra, kiểm tra đột xuất là chủ yếu. Chú trọng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra cao điểm theo chuyên đề dựa trên đánh giá rủi ro và diễn biến thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Qua đó, đã giải quyết dứt điểm nhiều vấn đề bức xúc kéo dài nhiều năm như sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…

Theo Bộ NN& PTNT, đến nay việc sử dụng chất cấm kích thích tăng trưởng Salbutamol, Cysteamine cơ bản đã được chấm dứt và đẩy lùi trên phạm vi cả nước. Năm 2017, có 5.121 mẫu được lấy thử nghiệm tại 14 phòng phân tích được Bộ chỉ định và không phát hiện mẫu dương tính. Theo số liệu Cục Thú y, có 8.090 mẫu nước tiểu, 1.090 mẫu thịt được 39 địa phương lấy mẫu phân tích chất cấm và không phát hiện mẫu nào dương tính.

Khắc phục khó khăn

Đạt nhiều kết quả tích cực nhưng công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATVSTP nông, lâm thủy sản vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục thời gian tới. Đáng chú ý, một số văn bản quy phạm pháp luật còn tồn tại một số điểm bất cập và cơ chế chính sách chưa thật đủ mạnh để khuyến khích, động viên người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng và thực phẩm nông sản an toàn, phát triển các mô hình chuỗi chất lượng cao, đảm bảo ATVSTP. Lực lượng cán bộ quản lý, thanh tra về ATVSTP chưa được các địa phương ưu tiên bố trí đủ về số lượng và còn hạn chế về chuyên môn trong thực thi các nhiệm vụ. Việc xử lý một số tồn tại còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo ATVSTP cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đơn cử như tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản và giết mổ gia súc gia cầm không đảm bảo vệ sinh ATVSTP…

Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Vũ Văn Tám, sau 2 năm thực hiện cao điểm hành động về ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp đã mang lại nhiều chuyển biến rất tích cực. Song, chúng ta chưa bằng lòng và người tiêu dùng cũng chưa an tâm, nhất là đối với sản phẩm nông sản của những cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ và sản phẩm bán ở chợ truyền thống. Năm 2018 cần khắc phục hạn chế còn tồn tại và phát huy các mặt tích cực để đạt kết quả tốt hơn. Trong đó, chú ý gắn kết chặt chẽ việc chỉ đạo điều hành công tác quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông nghiệp với các nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, cần đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng cường quản lý dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán tới đây. Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, triển khai tốt các quy định của pháp luật Nhà nước, cần tập trung kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, cung ứng sản phẩm cho thị trường, đặc biệt đối với những cơ sở giết mổ và kinh doanh những sản phẩm tươi sống, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hành động của người dân, cũng như có các biện pháp tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh nhân rộng và phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi, đảm bảo ATVSTP gắn với tăng cường quảng bá, kết nối sản phẩm an toàn được xác nhận và chứng nhận với người tiêu dùng, để tạo thuận lợi cho người sản xuất và tiêu dùng sản phẩm an toàn…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng, TP Cần Thơ đã và đang tiếp tục quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ATVSTP. Trong đó, quan tâm triển khai thực hiện tốt các chỉ đạo, quyết định và chương trình, kế hoạch của Trung ương về đảm bảo ATVSTP nông sản, cũng như kịp thời ban hành các quyết định, quy định và chương trình, kế hoạch hành động để tăng cường công tác này tại địa phương. Thành phố cũng lồng ghép các chỉ tiêu đảm bảo ATVSTP trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp và tích cực hỗ trợ người dân xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn và xây dựng các vùng nguyên liệu nông sản an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát lĩnh vực này.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết