28/04/2019 - 13:46

Con người - “kẻ hủy diệt” môi trường tự nhiên 

Một “bức tranh” toàn cảnh rõ nét nhất về sự thay đổi của môi trường tự nhiên liên quan đến không khí, nguồn nước, rừng cây, các loài động vật và vấn đề biến đổi khí hậu đã được khắc họa một cách chi tiết trong báo cáo khoa học dài 1.800 trang của Liên Hiệp Quốc, dự kiến chính thức công bố ngày 6-5. Trong báo cáo mất 3 năm thực hiện này, các nhà khoa học khẳng định sự mất đi của đa dạng sinh học và tình trạng Trái đất ấm lên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và điều quan trọng hơn cả, con người chính là tác nhân gây ra những biến đổi tiêu cực đó.

Rừng Amazon bị tàn phá.

Để chuẩn bị cho hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường dự kiến diễn ra tại Paris vào ngày 29-4 tới với sự tham dự của 130 đoàn đại biểu đến từ các nước trên thế giới, bản báo cáo khoa học trên đã được tóm tắt còn 44 trang dành riêng cho các nhà hoạch định chính sách. Theo bản tóm tắt công bố ngày 25-4, báo cáo đề cập đến thực trạng đáng quan ngại, đó là sự mất đi nhanh chóng của không khí sạch, nước uống, các khu rừng hấp thu khí CO2, các loài côn trùng thụ phấn, các loài cá giàu đạm, rừng ngập mặn chặn bão. Báo cáo nhấn mạnh thực trạng này đặt ra mối đe dọa không kém gì so với biến đổi khí hậu. 

Cụ thể, báo cáo trên cho biết các loài sinh vật trên Trái đất đang dần biến mất với tốc độ nhanh gấp hàng chục đến hàng trăm lần trong 10 triệu năm qua và theo các nhà khoa học, hiện khoảng 1 triệu loài vật có nguy cơ tuyệt chủng. Thậm chí có nhiều nhà khoa học còn cho rằng "thời kỳ tuyệt chủng" mới đang diễn ra. Nguyên nhân trực tiếp của thực trạng này là do môi trường sống của các loài bị thu hẹp, con người chuyển đổi mục đích sử dụng đất, săn bắn để kiếm thực phẩm hoặc tình trạng buôn bán bất hợp pháp các bộ phận động vật, biến đổi khí hậu, ô nhiễm,... Theo báo cáo tóm tắt, 3/4 diện tích đất đai, 40% môi trường nước và 50% đường thủy trên toàn cầu thay đổi nghiêm trọng; hơn 2 tỉ dân số thế giới sống phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ gỗ, 4 tỉ người phục thuộc vào dược phẩm từ thiên nhiên và hơn 75% mùa màng lương thực toàn cầu cần động vật thụ phấn. Trong khi đó, trong gần 50 năm qua, gần một nửa diện tích đất và các hệ sinh thái biển chịu sự tác động mạnh mẽ của con người. Bên cạnh đó, việc chính phủ các nước tăng trợ cấp cho các ngành đánh bắt cá, công nghiệp hóa phương thức sản xuất nông nghiệp, tăng số lượng vật nuôi, khai khoáng, sản xuất nhiên liệu sinh học hoặc năng lượng hóa thạch đều gây ra tình trạng lãng phí khi sử dụng, tiêu thụ quá mức so với nhu cầu.      

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng chính những giải pháp chống biến đổi khí hậu hiện nay đang gây tổn hại cho thế giới tự nhiên. Ví dụ điển hình được nêu ra ở đây là phương thức chuyển đổi sử dụng nguồn nhiên liệu xanh, cụ thể nhiên liệu sinh học hiện được xem là giải pháp chống biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, trên thực tế để sản xuất nhiên liệu sinh học, con người cần giải phóng một diện tích đất lớn để trồng cây phục vụ cho sản xuất nhiên liệu sinh học và điều này khiến thu hẹp diện tích đất trồng cây lương thực, gây hạn chế cho những nỗ lực mở rộng diện tích đất bảo tồn hoặc trồng rừng. 

Theo các chuyên gia, con người cần nhận thức rõ biến đổi khí hậu và sự mất đi thế giới tự nhiên đều có ý nghĩa quan trọng ngang bằng không chỉ đối với môi trường mà cả với sự phát triển và những vấn đề kinh tế. Và chỉ có sự thay đổi mới có thể ngăn chặn những thiệt hại.

LAN PHƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết