10/09/2014 - 09:20

IRAQ LẬP NỘI CÁC MỚI

Còn đó những thách thức

Quốc hội Iraq hôm 8-9 đã nhóm họp và thông qua thành phần chính phủ mới bao gồm cả người Hồi giáo dòng Sunni và người Kurd trong nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) vốn đã kiểm soát một phần lãnh thổ rộng lớn.

Tân Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã chọn ông Saleh al-Mutlak – một người theo dòng Sunni và ông Hoshyar Zebari, một người Kurd đảm nhiệm hai cương vị Phó Thủ tướng. Bên cạnh việc bổ nhiệm thành viên của Hội đồng Hồi giáo Tối cao Iraq Adel Abdul Mahdi theo dòng Shiite làm Bộ trưởng Dầu mỏ và cựu Thủ tướng Ibrahim Jaafari giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, tân lãnh đạo Iraq cam kết sẽ bổ nhiệm người nắm giữ hai vị trí quan trọng khác gồm Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Quốc phòng trong vòng một tuần. Ngoài chính trị gia người Kurd Rowsch Nuri Shaways được chỉ định vào vị trí Bộ trưởng Tài chính, cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki, cựu Chủ tịch Quốc hội Osama al-Nujaifi và cựu Thủ tướng Ayad Allawi cũng đảm nhiệm chức Phó Tổng thống trong Hội đồng tổng thống do Tổng thống Iraq Fuad Masoum đứng đầu.

Tân Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi (giữa) cam kết sẽ điều hành đất nước vì toàn thể cộng đồng ở Iraq. Ảnh: AP

Theo các chính trị gia và giới ngoại giao, chính trường Iraq dưới thời ông Abadi có thể sẽ thu hẹp được mâu thuẫn giữa các sắc tộc so với người tiền nhiệm al- Maliki. Trong bài phát biểu công khai, ông Abadi cũng lên tiếng tái khẳng định tầm quan trọng của việc hòa giải giữa các giáo phái và nhóm dân tộc trong nước.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ, Mỹ khẳng định động thái thành lập chính phủ mới là một "cột mốc quan trọng" đối với Iraq. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết sẽ tới Trung Đông để hỗ trợ xây dựng "liên minh đối tác rộng nhất có thể" nhằm triệt hạ IS. Nhà Trắng cho biết sau cuộc điện đàm chúc mừng, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định ông Abadi đã cho thấy quyết tâm "phối hợp với tất cả các cộng đồng ở Iraq cũng như các đối tác trong khu vực và quốc tế" trong nỗ lực tăng cường sức mạnh đối phó phiến quân IS.

Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích nhận định Baghdad vẫn cần có nhiều nỗ lực và thời gian hơn nữa để giải quyết những vấn đề khó khăn trong nước. Thử thách quan trọng nhất đối với chính phủ mới ở Iraq là vấn đề hòa hợp dân tộc, giải quyết yêu cầu của người Kurd và người Sunni. Theo một nhà lãnh đạo nhóm người Sunni biểu tình chống chính phủ trước đây, tân Thủ tướng Abadi nhất định phải tạo nên sự khác biệt với người tiền nhiệm và để cho người Sunni thấy rằng họ cũng là một phần của đất nước. Trước đó, ông Maliki từng bị chỉ trích là một trong những nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng tại Iraq tồi tệ hơn với các chính sách loại trừ người Sunni đến mức họ chấp nhận gia nhập lực lượng phiến quân.

Bên cạnh đó, nội các do Thủ tướng Abadi đứng đầu phải đối mặt nhiệm vụ khó khăn nữa là lấy lại niềm tin và sự bảo trợ từ chính những đồng minh người Shiite trong đảng Dawa. Riêng trên lĩnh vực đối ngoại, cựu cố vấn an ninh quốc gia đồng thời là chính trị gia người Shiite hàng đầu Mowaffak al-Rubaie cho biết ông Abadi hiện đang có một khởi đầu tốt khi tranh thủ được sự đồng thuận của các nhóm chính trị tại Iraq cũng như sự ủng hộ từ Washington và Tehran. Tuy nhiên, theo al-Rubaie, vấn đề là tân Thủ tướng Iraq liệu có thể dung hòa mối quan hệ với Mỹ và Iran, hai nước vốn còn nhiều hiềm khích, trước sự chống phá của các đối thủ chính trị hay không.

MAI QUYÊN (Theo BBC, Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết