07/03/2012 - 21:59

Cơn ác mộng của sự tan rã

Trước khi phương Tây với sự hậu thuẫn của các quốc gia A-rập tại vùng Vịnh tiến hành chiến dịch không kích lật đổ chế độ Muammar Gadhafi ở Libye, dư luận quốc tế đã cảnh báo nguy cơ tan rã của đất nước Bắc Phi giàu dầu mỏ chỉ có hơn 6 triệu dân này. Và chỉ chưa đầy 5 tháng sau sự sụp đổ của nhà lãnh đạo Gadhafi, cơn ác mộng đó đã xuất hiện khi mà khoảng 3.000 đại biểu của các bộ tộc lớn, chỉ huy của các nhóm phiến quân và một số chính trị gia tại Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libye và từng là “thành trì” của lực lượng chống chế độ Gadhafi ở miền Đông, hôm 6-3 tham gia một hội nghị riêng và tuyên bố thành lập “Hội đồng tỉnh Cyrenaica” để điều hành “các công việc nội bộ và bảo vệ quyền của nhân dân tại đây”. Người đứng đầu hội đồng được chỉ định là ông Ahmed al-Senussi, một người dòng họ của vương triều Idris cũ và từng là tù nhân chính trị dưới chế độ của ông Gadhafi.

Hội đồng tỉnh được thành lập có tên gọi “Barqa” theo tiếng A-rập này là một hình thức bán tự trị vì nó có quyền bầu chọn cơ quan lập pháp, lực lượng cảnh sát, tòa án và thủ đô hành chính riêng, ngoại trừ quyền ban hành chính sách đối ngoại, sở hữu quân đội quốc gia và phân chia tài nguyên dầu mỏ. Những người tham gia hội nghị cho rằng họ không có ý định chia tách khỏi một đất nước Libye thống nhất, mà chỉ muốn chấm dứt tình trạng hàng thập niên bị chính quyền trung ương Tripoli ở phía Tây (nằm cách Benghazi hơn 1.000 km) “bỏ bê” và “phân biệt đối xử”. Họ cáo buộc chính quyền lâm thời hiện nay đang tiếp tục “thiên vị” miền Tây, bởi phần lớn các bộ trưởng chính phủ là người ở đây. Họ còn phản đối dự định của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) triệu tập một hội đồng soạn thảo hiến pháp mới mà trong đó khu vực miền Tây chiếm đa số áp đảo.

Trước tình thế ấy, Chủ tịch NTC Mustafa Abdel Jalil cảnh báo rằng hành vi trên sẽ dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm. Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Jalil tố cáo một số quốc gia A-rập đã hỗ trợ tài chính và hậu thuẫn cho âm mưu giành quyền tự trị ngày càng lớn hơn của miền Đông.

Nhiều tài liệu cho thấy Libye từng là một quốc gia thống nhất từ năm 1934 sau khi giành được độc lập từ tay Ý và trước khi bị chia cắt bởi sự chiếm đóng của thực dân Anh, Pháp. Đến năm 1951, Libye được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết ủng hộ thành lập “vương quốc thống nhất” mà thực chất là một nền quân chủ liên bang có 3 nhà nước tự trị gồm Tripolitania ở phía Tây, Fezzan ở Tây Nam và Cyrenaica (hay còn gọi là Barqa) ở phía Đông. Cuộc đảo chính quân sự của Đại tá Gadhafi năm 1969 đã thống nhất được Libye và ông chuyển thủ đô hành chính từ Benghazi về Tripoli.

Sự thay đổi quyền lực bằng bạo loạn lật đổ ở Libye do các lực lượng nổi dậy ở khu vực phía Đông giàu dầu mỏ nắm vai trò nòng cốt xem ra không phải không có tính toán chiến lược. Tuy nhiên, một nhà nước “Barqa” ra đời chiếm gần phân nửa diện tích lãnh thổ của Libye rõ ràng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xung đột với phần còn lại của quốc gia Bắc Phi này.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết