30/08/2016 - 10:00

Cơ hội cho hòa bình ở Myanmar?

Ngày mai 31-8, hội nghị hòa bình các dân tộc tại Myanmar sẽ khai mạc ở Thủ đô Naypyitaw, với sự tham dự của 1.800 đại biểu đến từ các cơ quan chính phủ, phe phái chính trị, nhóm vũ trang địa phương, cùng các nhà quan sát là Liên Hiệp Quốc (LHQ), tổ chức quốc tế và đại diện ngoại giao các nước. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon có mặt tại hội nghị diễn ra trong 5 ngày này.

Liên minh vũ trang lớn nhất tham dự hội nghị

Hội nghị hòa bình ở Myanmar được bà Aung San Suu Kyi, Bộ trưởng Ngoại giao, Cố vấn Nhà nước và là thủ lĩnh Liên đoàn Dân chủ Quốc gia (NLD) cầm quyền, kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột vũ trang kéo dài gần 70 năm qua ở quốc gia Đông Nam Á này. Cuộc nội chiến từ năm 1948, thời điểm Myanmar giành độc lập từ thực dân Anh, đến nay đã làm khoảng 130.000 người thiệt mạng. Hàng trăm ngàn người phải chạy qua các nước láng giềng lánh nạn.

Người dân Myanmar tại cố đô Yangon mít tinh ủng hộ hội nghị hòa bình hôm 28-8. Ảnh: EFE-EPA

Myanmar có hơn 100 nhóm dân tộc thiểu số (chiếm hơn 30% trên tổng dân số 53 triệu người), trong đó phần lớn lâu nay thiếu lòng tin với nhóm dân tộc chiếm đa số Bamar vì cho rằng họ bị phân biệt đối xử. Bà Suu Kyi, người từng được trao giải Nobel hòa bình, thuộc dân tộc Bamar.

Tháng 10-2015, chính quyền quân sự Myanmar lúc đó đã ký thỏa thuận ngừng bắn với 8 nhóm vũ trang. Tuy nhiên, họ không thể tạo ra thỏa thuận ngừng bắn trên quy mô toàn quốc với các nhóm vũ trang quan trọng nhất nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình ổn định và lâu dài.

Lần này, hội nghị hòa bình có sự tham gia của Hội đồng liên bang các dân tộc thống nhất (UNFC), liên minh vũ trang lớn nhất gồm 7 nhóm dân tộc thiểu số, trong đó có Tổ chức Độc lập Kachin. Nhóm này có tới 10.000 tay súng và đã xung đột với quân đội chính phủ ở miền Bắc Myanmar từ năm 2011, sau khi thỏa thuận ngừng bắn song phương kéo dài 17 năm với chính phủ tan vỡ.

Tuy nhiên, nhóm vũ trang của cộng đồng người Hồi giáo Rohingya, vốn chưa bao giờ chịu từ bỏ vũ khí, không được mời tham gia hội nghị. Nguyên nhân là chính phủ Myanmar chưa công nhận người Rohingya là cộng đồng của họ.

Sự khởi đầu cho tiến trình dài lâu

Trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, bà Suu Kyi tuyên bố rằng điều quan trọng nhất và là ưu tiên số một của chính phủ liên bang Myanmar là đạt được nền hòa bình và đoàn kết các dân tộc ở nước này. "Không có hòa bình thì không thể có phát triển bền vững" - nhà lãnh đạo 71 tuổi nhấn mạnh.

Hội nghị đặt tiêu đề là "Panglong của thế kỷ 21", qua đó nhắc lại thỏa thuận chia sẻ quyền lực được ký kết năm 1947 tại thị trấn Panglong (thuộc bang Shan ở miền Bắc Myanmar) sau cuộc gặp giữa Tướng Aung San và các nhóm dân tộc thiểu số. Tướng Aung San chính là thân phụ của bà Suu Kyi. Tuy nhiên, thỏa thuận đã sụp đổ sau khi ông Aung San bị ám sát vài tháng sau đó và Myanmar bắt đầu nửa thế kỷ cầm quyền của quân đội.

Trao quyền tự trị lớn hơn là yêu sách quan trọng nhất của gần như tất cả các dân tộc thiểu số ở Myanmar. Họ cũng muốn thảo luận các vấn đề kinh tế và xã hội, song song vấn đề tài nguyên đất đai và khoáng sản, chứ không chỉ tập trung vào an ninh và chính trị theo mong muốn của chính phủ.

Giải quyết rốt ráo những vấn đề căn cơ của các dân tộc thiểu số ở Myanmar rõ ràng không phải là điều dễ dàng. Và đại diện các dân tộc thiểu số có lẽ cũng hiểu như vậy. Một lãnh đạo nổi dậy giấu tên phát biểu với hãng tin AFP: "Chúng tôi không kỳ vọng giải pháp từ hội nghị, bởi sẽ không có thảo luận hay bàn bạc, mà đây là cơ hội hiếm hoi để nói chuyện cởi mở với chính phủ".

Mặt khác, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng cần có sự ủng hộ của quân đội Myanmar vốn vẫn đang nắm Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Biên giới. Vì thế, giới phân tích nhận định hội nghị các dân tộc ở Myanmar là một bước khởi động cần thiết, còn tiến trình đàm phán và đạt được thỏa thuận hòa bình được dự báo có thể kéo dài trong "nhiều năm nữa".

KIẾN HÒA (Theo EFE-EPA, Rappler, SWJ)

Chia sẻ bài viết