25/11/2023 - 10:04

Chuyến đi đến Nam Cực của hơn 100 nhà khoa học nữ 

17 năm qua, Michaela Musilová - nhà sinh vật học vũ trụ người Slovakia - luôn mơ ước được đến thăm Nam Cực. Giờ đây, ước mơ của cô đã thành hiện thực khi trở thành một trong số hơn 100 nhà khoa học nữ tham gia chuyến tàu thám hiểm Nam Cực. Mục tiêu của chuyến đi lịch sử này là nhằm khuyến khích các thành viên hướng tới trở thành những nhà khoa học được trao quyền để thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Các chuyên gia nữ chụp hình lưu niệm trước khi lên tàu đến Nam Cực.

Được biết, phụ nữ chỉ được phép làm việc ở Nam Cực kể từ cuối những năm 1970 do trước đó họ bị “cấm cửa” bởi các quốc gia tổ chức các chương trình nghiên cứu trên lục địa này. Để thúc đẩy vai trò của nữ giới, từ năm 2016, Homeward Bound - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Úc - đã tổ chức các chuyến tàu thám hiểm Nam Cực chỉ toàn phụ nữ. Đặc biệt, chuyến thám hiểm Nam Cực lần này quy tụ những phụ nữ là nhà nghiên cứu khí hậu, bác sĩ y khoa, nhà sinh thái học, kỹ sư dân dụng và nhà thiên văn học. Họ thuộc mọi độ tuổi và đến từ ít nhất 18 quốc gia, được kết nối với nhau thông qua mối quan tâm chung về sự phát triển bền vững và hành động chống biến đổi khí hậu vì Trái đất.

​Với mục tiêu thúc đẩy nhu cầu về sự bền vững, các khu vực ở Nam Cực đang nóng lên nhanh chóng (do các hoạt động của con người gây ra) đã được chọn làm nền tảng nghiên cứu trong chuyến hành trình. Đây là những khu vực có phạm vi băng biển thấp kỷ lục và sự sụt giảm đáng báo động của loài chim cánh cụt, cùng với những xu hướng đáng lo ngại khác do khủng hoảng khí hậu gây ra.

​Dự kiến trong hành trình kéo dài 3 tuần, nhóm nhà khoa học nữ sẽ băng qua eo biển Drake, một vùng biển thường có những con sóng cao tới 12 mét. Sau đó, họ sẽ đặt chân lên Quần đảo Falkland xa xôi và đảo cận Nam Cực, trước khi đi vòng quanh bán đảo Nam Cực trên đường trở về địa điểm cuối ở Ushuaia, Argentina. ​

Chuyên gia Musilová cho biết: “Hầu hết chúng ta đều cảm nhận rất rõ những gì đang diễn ra trên thế giới, môi trường đang thay đổi như thế nào cũng như con người đang tác động đến nó ra sao. Việc đến Nam Cực và tận mắt chứng kiến sẽ mang lại nhiều thay đổi lớn”. Anna Frebel, giáo sư vật lý tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) - người cũng có mặt trên tàu, chia sẻ: “Rõ ràng là mọi thứ đều rất đẹp, nhưng con mắt của nhà khoa học cũng sẽ nhanh chóng khám phá những gì chúng ta không nhìn thấy, là không đủ băng và không đủ chim cánh cụt sống ở đó”.

Theo yêu cầu của chương trình, nhóm nhà khoa học nữ phải hoàn thành bảng tự đánh giá phẩm chất lãnh đạo của họ. Dựa trên kết quả đó, họ sẽ trải qua một loạt cuộc hội thảo, thuyết trình và các buổi kết nối để nâng cao hơn nữa kỹ năng lãnh đạo của bản thân. Bằng cách này, chương trình sẽ giúp họ củng cố những kỹ năng cần thiết nhưng còn thiếu trong môi trường làm việc thực tế, bao gồm ở lĩnh vực không gian vũ trụ.

Được biết, chương trình của Homeward Bound hướng tới xây dựng mạng lưới 10.000 nhà khoa học nữ ở các vị trí lãnh đạo trên khắp thế giới sẵn sàng giúp giải quyết các vấn đề khí hậu vào năm 2036. “Tôi thực sự thích ý tưởng về một mạng lưới phụ nữ toàn cầu này để làm việc cùng nhau, giúp đỡ lẫn nhau và truyền cảm hứng cho nhau”- Musilová hào hứng nói về chuyến đi toàn chuyên gia nữ của Homeward Bound. Theo cô, việc trau dồi kỹ năng lãnh đạo cũng truyền cảm hứng cho cô tạo ra nền tảng giúp phụ nữ và trẻ em gái tham gia các lĩnh vực STEMM (gồm Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học và Y học).

NGUYỆT CÁT (Theo Space.com)

 

Chia sẻ bài viết