Hai viện Quốc hội Mỹ vừa lần lượt thông qua dự luật đưa cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) của ông ra khỏi “danh sách khủng bố”. Dự kiến Tổng thống George Bush sẽ phê chuẩn dự luật trên đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 90 của ông Mandela ngày 18-7 tới. Đề cập vấn đề này, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ John Kerry nói rằng nước Mỹ cần phải xóa đi sự sỉ nhục đối với một lãnh tụ vĩ đại, người anh hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của nhân dân Nam Phi và từng đoạt giải Nobel Hòa bình.
Cần nhắc lại rằng trong Chiến tranh lạnh, cụ thể là dưới trào chính quyền Ronald Reagan những năm 1980, Mỹ liệt ANC và các nhà lãnh đạo của đảng này vào “danh sách khủng bố” vì muốn lật đổ chế độ thân phương Tây tại Nam Phi. Với cái “mũ khủng bố” đó, dù ANC lên nắm quyền điều hành đất nước từ năm 1994, nhưng ông Mandela và nhiều nhà lãnh đạo cấp cao khác của ANC không thể đến thăm Washington hay bất cứ nơi nào của nước Mỹ, ngoại trừ được đặt chân tới trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.
Quan hệ ngoại giao giữa Nam Phi và Mỹ hiện nay nhìn chung vẫn diễn ra bình thường, nhưng Ngoại trưởng Condoleezza Rice chưa bao giờ tiếp người đồng nhiệm Nam Phi tại Thủ đô Washington. Bà Rice tuyên bố nếu ông Mandela được đưa ra khỏi “danh sách khủng bố” thì quan hệ giữa hai nước sẽ tốt đẹp hơn.
Người ta không khỏi bàn tán về mục đích thực sự của Washington trong việc duy trì chính sách chụp mũ khủng bố đối với một số cá nhân, tổ chức và chế độ tại nhiều nước trên thế giới. Thật khó hiểu khi một nhân vật nổi tiếng và được cả thế giới ngưỡng mộ như ông Mandela đến nay vẫn nằm trong “sổ bìa đen” của Mỹ. Ở cấp quốc gia, đó là trường hợp của Cuba, Iran, CHDCND Triều Tiên, Sudan và Syrie. Các nhà phân tích cho rằng “mũ khủng bố” chẳng qua chỉ là một công cụ chính trị mà Washington sử dụng để gây sức ép buộc đối phương phải nhượng bộ. Chẳng hạn, Bình Nhưỡng sắp tới đây có thể sẽ được rút ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố vì chịu từ bỏ chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân. Năm 2006, Libye cũng từng được gỡ “mũ khủng bố” sau khi chấp nhận ngừng theo đuổi chương trình hạt nhân. Trong khi đó, Venezuela có nguy cơ bị Washington đưa vào danh sách tài trợ khủng bố nếu Tổng thống Hugo Chavez tiếp tục đối chọi với Chú Sam và ngừng cung ứng năng lượng cho Mỹ.
V.P (Theo AFP, Le Figaro, AP)