04/03/2014 - 09:19

Chưa thấy giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraina

Hải quân Ukraina bảo vệ khu căn cứ tại cảng Feodosiya ở phía Đông Crimea. Ảnh: AFP

Chính phủ Đức hôm 2-3 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chấp thuận đề nghị của Thủ tướng nước này Angela Merkel về việc triển khai một "phái đoàn điều tra sự thật" tại Ukraina. Đây được xem là nỗ lực của các bên nhằm thúc đẩy kênh đối thoại giữa Kiev và Mát-xcơ-va trong bối cảnh các nước phương Tây đồng loạt lên án động thái quân sự của Nga tại bán đảo Crimea là vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraina.

Theo lời phát ngôn viên Chính phủ Đức Georg Streiter, đề xuất trên được bà Merkel đưa ra trong cuộc điện đàm với ông Putin hôm 2-3, theo đó nhiều khả năng phái đoàn sẽ do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) dẫn đầu. Trích dẫn tuyên bố của Điện Kremlin, tờ Telegraph cho biết hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tiếp tục tham vấn các giải pháp song phương lẫn đa phương nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy vậy, ông Putin đến nay vẫn bác bỏ lời kêu gọi rút quân của phương Tây, đồng thời khẳng định khả năng Nga "bị buộc" phải can thiệp vào Ukraina và nước này sẵn sàng đối phó với các tình huống bất thường nhằm bảo vệ công dân Nga cũng như những người nói tiếng Nga trước nguy cơ bạo lực do chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Crimea và một số khu vực khác tại quốc gia Trung Âu.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng cảnh báo rằng chính quyền Tổng thống Barack Obama có thể xem xét biện pháp cấm vận kinh tế, thậm chí đe dọa loại Nga ra khỏi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) do động thái quân sự của nước này tại Crimea. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Kerry sẽ đến Kiev vào hôm nay 4-3 để chứng tỏ "sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington đối với chủ quyền, tính toàn vẹn lãnh thổ cùng nền độc lập và quyền tự quyết của người dân Ukraina". Cùng quan điểm với Mỹ, lãnh đạo các quốc gia còn lại trong G7 (gồm Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Ý và Canada) cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy trong tuyên bố chung đã quyết định tạm hoãn các kế hoạch chuẩn bị tham dự hội nghị G8, dự kiến diễn ra tại thành phố Sochi của Nga vào tháng 6 tới, như biện pháp phản đối việc Mát-xcơ-va cho triển khai binh sĩ tại khu vực Crimea. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin trong chương trình đối thoại trên truyền hình hôm 2-3 nói rằng diễn biến tại quốc gia láng giềng hiện nay là "một thảm kịch" và khẳng định không một người Nga nào muốn chiến tranh với Ukraina. Ông cho rằng vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina hoàn toàn có thể giải quyết và phải được giải quyết nội bộ một cách tự nguyện trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các cộng đồng chứ không phải là do sự cưỡng ép. Ông chỉ rõ, thực tế đang diễn ra ở Crimea là bằng chứng cho thấy sự cưỡng ép đã đưa đến kết quả như thế nào. Cùng ngày, trên trang Facebook cá nhân, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố giới lãnh đạo hiện nay ở Ukraina đã tiếm quyền một cách bất hợp pháp và khẳng định Tổng thống Viktor Yanukovych vẫn là nguyên thủ quốc gia theo hiến pháp.

Trong khi đó tại Ukraina, một số hãng truyền thông Nga cho biết từ ngày 27-2 trụ sở Hội đồng Tối cao (cơ quan lập pháp) và Hội đồng Bộ trưởng (chính phủ) khu vực Crimea tại Simferopol đã nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng tự vệ nói tiếng Nga. Các doanh trại quân đội, trang bị quân sự và kho vũ khí bị bỏ lại đã được chuyển sang đặt dưới quyền kiểm soát của lực lượng tự vệ, vốn duy trì việc bảo vệ và trật tự cho khu vực. Họ cũng nói rằng binh sĩ thuộc các đơn vị vũ trang Ukraina tại Crimea đã đồng loạt từ chức và chuyển sang ủng hộ chính quyền cùng lực lượng dân quân tự vệ thân Nga. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ukraina ngay lập tức lên tiếng bác bỏ thông tin trên và cho đây là một "hành động mang tính khiêu khích". Đồng thời, bộ này cũng đính chính thông tin mà các kênh truyền thông đăng tải về việc tàu chỉ huy của Hải quân Ukraina- khu trục hạm Hetman Gagaydachny đứng về phía Nga là sai sự thật khi cho biết chiến hạm này đang neo đậu tại cảng Crete của Hy Lạp và vẫn trực thuộc quyền chỉ huy của Kiev. Trước đó, có tin nói Bộ chỉ huy Hải quân Ukraina đã từ chối tuân lệnh quyền Tổng thống Oleksandr Turchynov, tuy nhiên sau đó chính quyền Kiev khẳng định hạm đội gồm 10 chiến hạm của nước này đóng ở Sevastopol vẫn ở lại hải cảng này và vẫn trung thành với chính phủ tạm quyền.

Trong diễn biến có liên quan, nhiều nguồn tin cho biết Chính phủ Ukraina đã sa thải Tư lệnh Hải quân vừa được bổ nhiệm hôm 1-3 – Chuẩn Đô đốc Denis Berezovsky và truy tố về tội phản quốc sau khi ông Berezovsky xuất hiện bên cạnh Tổng thống mới được bổ nhiệm của Crimea Sergei Aksyonov trên kênh truyền hình và cam kết trung thành với nhà lãnh đạo mới của cộng hòa tự trị này.

MAI QUYÊN
(Theo AP, Telegraph, Fox News, RIA Novosti, ITAR-TASS)

Chia sẻ bài viết