23/05/2008 - 09:43

Chống bỏ học - Trách nhiệm của cộng đồng

Thời gian gần đây, nhiều cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục cảm thấy chịu sức ép rất lớn của xã hội khi có nhiều dư luận về chất lượng giáo dục chưa cao, tình trạng học sinh bỏ học nhiều. Tuy nhiên, công bằng mà nói không thể đổ hết mọi trách nhiệm cho ngành trước tình trạng chất lượng giáo dục chưa cao, học sinh bỏ học nhiều... Đó cũng là những bức xúc mà lãnh đạo ngành giáo dục các tỉnh, thành ĐBSCL bày tỏ tại Hội nghị giao ban cuộc vận động “Hai không” lần III do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì tại Phú Quốc (Kiên Giang) mới đây. Nhiều ý kiến cho rằng cần xác định đúng nguyên nhân, trách nhiệm để có những giải pháp khắc phục hiệu quả, trong đó trách nhiệm của cả cộng đồng được nhấn mạnh...

VÌ SAO HỌC SINH BỎ HỌC?

Năm học 2007-2008, ĐBSCL là khu vực có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất cả nước, hơn cả khu vực miền núi phía Bắc. Tính đến thời điểm này, ĐBSCL đã có 4.016 học sinh tiểu học, 19.803 học sinh THCS và 10.269 học sinh THPT bỏ học. Trình độ dân trí trong vùng cũng thấp nhất, thua cả khu vực Tây Nguyên. Theo đánh giá của ngành giáo dục, nguyên nhân chính của tình trạng này, là do phụ huynh, học sinh chưa xem học là quyền lợi. Đời sống còn nhiều khó khăn, sinh hoạt của một bộ phận dân cư theo kiểu “di trú”, cơ sở vật chất, hạ tầng thấp kém... đã tạo một khoảng cách lớn giữa trường học và học sinh.

Do đó, nâng cao trình độ dân trí không thể chỉ là vấn đề của ngành giáo dục. Ông Triệu Văn Phấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, cho biết: “Đó là trách nhiệm của toàn xã hội. Ở Trà Vinh, ngành giáo dục đã tổ chức nhiều hội thảo giữa phụ huynh và nhà trường để nâng cao nhận thức của phụ huynh trong việc cho con em đến trường. Các giáo viên chủ động tìm hiểu gia cảnh và hỗ trợ kịp thời về vật chất đối với học sinh nghèo, học sinh khó khăn có nguy cơ bỏ học cao. Do đặc thù của tỉnh, nên Trà Vinh cũng xem xét giải quyết các chính sách về dân tộc gắn với giáo dục nhằm khuyến khích việc học trong đồng bào dân tộc Khmer...”. Với 1.554 học sinh tiểu học, 5.540 học sinh THCS và 2.034 học sinh THPT bỏ học, Trà Vinh là tỉnh có số lượng học sinh bỏ học nhiều nhất khu vực. Đời sống chưa cao nên một bộ phận người dân chưa quan tâm đến việc tạo điều kiện tốt cho con em đến trường...

 Một lớp học ven rừng ở vùng U Minh Thượng - Kiên Giang.

Một nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học nhiều là phương pháp giáo dục và nội dung sách giáo khoa chưa phù hợp, chưa thật sự thu hút học sinh. Rất nhiều giáo viên ví von nội dung sách giáo khoa là “chương trình cơ bắp”. Ngành giáo dục đã quá “tham” khi muốn biên soạn một bộ sách hoàn chỉnh nhưng lại thiếu tính thực tế, kỹ năng thực hành... Ông Nguyễn Thanh Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, cho biết: “Chương trình sách giáo khoa nặng tính hàn lâm trong khi lại thiếu tính liên kết giữa các cấp và liên thông lên cao đẳng, đại học. Vì vậy, cần xem xét, chỉnh sửa nội dung sách giáo khoa chứ không phải chỉ cắt xén...”.

Khi thực hiện nội dung chương trình sách giáo khoa mới, đòi hỏi phải áp dụng phương pháp giảng dạy mới, kèm theo đó là trang thiết bị thí nghiệm, thực hành. Tuy nhiên, các trường còn thiếu thốn cơ sở vật chất, chưa đáp ứng được yêu cầu này. Người thầy dù rất muốn thay đổi phương pháp nhưng vẫn đành “dạy chay”. Tiến sĩ Hồ Việt Hiệp, Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, bức xúc: “Ở ĐBSCL, phần lớn trường học chỉ mới là chỗ ngồi cho học sinh chứ chưa phải là nơi học sinh học tập. Khi môi trường học tập chưa tốt thì khó mà có được chất lượng cao như mong muốn. Cứ thấy dân trí thấp, chất lượng chưa cao thì lại đổ tội cho ngành giáo dục. Thực tế, giáo dục Việt Nam phát triển dưới sức ép của xã hội. Đừng quá nôn nóng để rồi tốn kém nhiều, nhưng kết quả lại thấp...”.

CẦN ĐA DẠNG HÓA LOẠI HÌNH ĐÀO TẠO

“Chúng ta đừng quá cầu toàn khi muốn tất cả học sinh đều học hết chương trình phổ thông. 100% học sinh THCS vào lớp 10 không phải là cách làm khoa học. Trên thế giới, quốc gia có nền giáo dục tốt nhất là Phần Lan vẫn có 5% dân số không học hết phổ thông. Ở Mỹ, con số này là 10%. Vì vậy, đừng quá nóng vội khi nghe đến con số học sinh bỏ học; phải bình tĩnh, tìm đúng nguyên nhân và giải quyết từ gốc...”. Ý kiến này của ông Nguyễn Thanh Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, được nhiều người tán thành. Nền tảng kiến thức của học sinh là bậc tiểu học. Điều đó đòi hỏi cần có những giáo viên có năng lực, lương tâm và trách nhiệm.

Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT
Bành Tiến Long:
TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐỂ HỌC SINH
NGHỈ HỌC VÌ KHÓ KHĂN

Ngành giáo dục phải tạo mọi điều kiện cho học sinh đến trường, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc. Tôi rất tán thành với các địa phương chủ động trong việc giải quyết khó khăn, hỗ trợ kịp thời những học sinh nghèo để các em an tâm đến trường. Ngành giáo dục phải có trách nhiệm tìm hiểu gia cảnh và phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thể để giải quyết khó khăn.

Tỷ lệ bỏ học cao là một thực tế phải chấp nhận để có biện pháp thực hiện tốt hơn. Sáng kiến đào tạo nghề kết hợp trong trường phổ thông, tổ chức học kỳ 3 cho học sinh yếu kém... là việc cần phải làm để nâng cao chất lượng, giúp đối tượng học sinh này theo kịp chương trình, tránh được tình trạng chán nản rồi bỏ học. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ đầu tư nhiều hơn cho giáo dục ĐBSCL, ưu tiên thực hiện các công trình trọng điểm tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc... 

Trong các nhóm giải pháp chống bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo..., giải pháp được quan tâm nhiều nhất là đa dạng loại hình đào tạo ngay từ trường phổ thông. Cách làm này không mới nhưng được đánh giá là hiệu quả và phù hợp với thực tế ĐBSCL. Nhiều lãnh đạo ngành giáo dục ở các tỉnh, thành ĐBSCL cho rằng nên tổ chức học văn hóa kết hợp dạy nghề trong trường phổ thông. Khi đó, những học sinh không đủ khả năng học lên cao đẳng, đại học được trang bị kỹ năng và có thể có được việc làm ngay sau khi hoàn tất chương trình phổ thông. Vấn đề hướng nghiệp và phân luồng cũng được nhắc đến.

Có một thực tế là hiện nay, tại các tỉnh, thành ĐBSCL, mạng lưới trung tâm hướng nghiệp - dạy nghề phát triển rộng khắp nhưng dường như chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình. Nhiều học sinh học xong phổ thông lúng túng không biết chọn ngành học nào cho phù hợp. Phần lớn phụ huynh gặp khó khăn trong việc tư vấn ngành nghề cho con em mình. Ông Lữ Văn Nhựt, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, đề xuất: “ĐBSCL có quá nhiều trường dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp của nhiều ngành. Tại sao lại không gom lại, hình thành hệ thống trường dạy nghề, thu hút học sinh vào học nghề hoặc kết hợp đào tạo nghề và đào tạo văn hóa...”.

Vấn đề liên thông giữa trường phổ thông với trường nghề, cao đẳng, đại học được đặt ra và được xem là giải pháp hữu hiệu để chống tình trạng bỏ học ở trường phổ thông. Đây cũng là vấn đề từng được Hiệp hội các trường cao đẳng cộng đồng Hoa Kỳ đề xuất đối với Cao đẳng cộng đồng Việt Nam để đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo mọi cơ hội cho những người muốn học tập và kiếm sống bằng kiến thức, kỹ năng của mình...

Tại Hội nghị, bên cạnh nhiều giải pháp ngành giáo dục cần phải thực hiện nhanh để nâng cao chất lượng giáo dục, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học như: Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp... thì nhiều ý kiến nhấn mạnh cần phải có những giải pháp để phát huy trách nhiệm của cả cộng đồng quan tâm chăm lo cho giáo dục. Bởi một mình ngành giáo dục không thể giải quyết, khắc phục được những hậu quả: học sinh bỏ học, trình độ dân trí thấp...

Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết