08/11/2013 - 09:58

Chờ một bước tiến

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran. Ảnh: AP 

Vòng đàm phán thứ hai trong một tháng qua về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran diễn ra trong hai ngày 7 và 8-11 tại Genève (Thụy Sĩ) mang theo kỳ vọng về một thỏa thuận giải quyết bế tắc đã kéo dài quá lâu.

Một quan chức Mỹ tuyên bố "cái mà Washington tìm kiếm hiện nay là bước đi đầu tiên" nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Người phát ngôn của Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu Catherine Ashton thì đánh giá "đây là vòng đàm phán phức tạp và bước vào giai đoạn nghiêm túc" sau khi đã đạt được "bước tiến cụ thể" ở vòng đầu. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohhamad Javad Zarif phát biểu: "Tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận thậm chí ngay trong vòng đàm phán này". Tuy nhiên, ông nói rằng đó chỉ là kỳ vọng của phía Iran, còn tất cả tùy thuộc vào các đối tác còn lại. Và ông nói thêm, "nếu chúng ta không thể ký kết được gì thì không phải là một thảm họa khi mà nhiều cuộc đàm phán khác vẫn đang còn ở phía trước".

Ở vòng đàm phán cách đây non một tháng, các nguồn tin cho biết Iran đã đồng ý và trên thực tế đã chính thức ngừng làm giàu uranium ở cấp độ 20%, dù sau đó nước này lại lên tiếng bác bỏ.

Thế thì "bước đi đầu tiên" của Mỹ sẽ như thế nào? Theo Reuters, đơn giản là nếu Tehran "gật đầu" (thừa nhận đã ngừng làm giàu uranium như đã hứa) thì Washington sẵn sàng cắt giảm các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhằm vào quốc gia Hồi giáo. Nhưng thật khó để nói trước điều gì khi mà cả hai - theo hãng tin AP, đều đòi hỏi quyền lợi của mình phải được ưu tiên và nhanh chóng đáp ứng. Trong khi giới bảo thủ Iran vẫn luôn cương quyết muốn được dỡ bỏ cấm vận như điều kiện tiên quyết thì không ít các nhà lập pháp cứng rắn Mỹ buộc Tehran phải chấm dứt hoàn toàn chương trình hạt nhân nếu muốn được nới lỏng cấm vận. AP cho rằng đây là một trong những thách thức lớn nhất trong vòng đàm phán lần này.

Theo Giáo sư Stephen Zunes - chuyên gia về Trung Đông tại Đại học San Francisco (Mỹ)- bất cứ ai từng nghiên cứu về giải quyết xung đột đều phải thừa nhận rằng để một ai đó thuận theo những gì bạn muốn họ làm thì cần cả biện pháp khuyến khích lẫn trừng phạt. Nhưng chỉ chăm chăm áp đặt các biện pháp trừng phạt quá mức là hoàn toàn sai lầm, đặc biệt đối với một đất nước nơi mà chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ như Iran. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì cuộc đàm phán sẽ mãi giậm chân tại chỗ.

ĐƯỜNG THẤT (Tổng hợp)

 

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran. Ảnh: AP 

Chia sẻ bài viết