28/07/2008 - 09:35

Kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2008)

Chỗ dựa của người lao động

Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh vận động thành lập công đoàn trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Cần Thơ tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các công đoàn cơ sở (CĐCS), nhằm xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh, thực hiện tốt vai trò là tổ chức đại diện chăm lo đời sống; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho công nhân lao động (CNLĐ).

CỦNG CỐ TỔ CHỨC

Sau khi Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước phát triển mạnh. Tuy nhiên, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận, chưa thực hiện tốt chế độ, chính sách và quyền lợi cho CNLĐ. Vì thế, thời gian qua, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố luôn coi trọng việc vận động thành lập công đoàn trong các doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho CNLĐ.

Được sự quan tâm của công đoàn cơ sở, công nhân lao động Công ty cổ phần Xi măng Tây Đô được trang bị  đầy đủ bảo hộ lao động khi làm việc.

Ông Trần Quốc Vũ, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức LĐLĐ thành phố, cho biết: Để vận động thành lập tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước có hiệu quả, hàng năm Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố giao chỉ tiêu và chỉ đạo các công đoàn cấp trên cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để các chủ doanh nghiệp hiểu, tự nguyện thành lập công đoàn cơ sở. Ông Đỗ Văn Giang, Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp Công ty Cổ phần Bia nước giải khát Sài Gòn - Tây Đô (Khu công nghiệp Trà Nóc), bộc bạch: “Được cán bộ công đoàn Các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ vận động, chúng tôi hiểu rằng tổ chức công đoàn không phải đối trọng với doanh nghiệp, mà là người đại diện chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi cho CNLĐ, giúp doanh nghiệp ổn định lực lượng lao động để sản xuất kinh doanh. Chính vì thế, cuối năm 2007 khi doanh nghiệp chính thức hoạt động chúng tôi đã thành lập công đoàn”. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn đều đã thành lập tổ chức công đoàn; 340/500 doanh nghiệp tư nhân có đủ điều kiện thành lập công đoàn đều đã thành lập CĐCS.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố luôn quan tâm chỉ đạo các công đoàn cấp trên cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng CĐCS vững mạnh. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Công đoàn Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, nói: “Công đoàn Các khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ có 41 CĐCS trực thuộc. Trước đây, hoạt động của một số CĐCS còn mang tính hình thức, chưa sâu sát, chưa dám đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho CNLĐ. Trước thực trạng đó, chúng tôi đã tập trung củng cố, kiện toàn lại tổ chức, đưa những cán bộ có trình độ, tâm huyết, dám mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng cho CNLĐ vào Ban chấp hành CĐCS. Đồng thời, hướng dẫn cho Ban chấp hành CĐCS về cách quản lý, nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của CNLĐ... Chính vì thế, các CĐCS đã đi vào hoạt động ổn định, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa mang lại lợi ích thiết thực, góp phần khơi dậy mạnh mẽ phong trào công nhân”. Theo đánh giá của Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố, đến nay, thành phố có tổng số 1.096 CĐCS. Trong đó, có 86% CĐCS các cơ quan, doanh nghiệp khu vực nhà nước; trên 50% CĐCS các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước hoạt động hiệu quả, đạt vững mạnh.

VÌ LỢI ÍCH CỦA CNLĐ

Nét nổi bật của các cấp công đoàn TP Cần Thơ trong thời gian qua là thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNLĐ, coi đó là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt quá trình hoạt động của tổ chức công đoàn.

Đến Công ty TNHH May Hào Tân ở Khu công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng, chúng tôi cảm nhận được niềm vui trên gương mặt của 100 CNLĐ được vào ở miễn phí khu nhà tập thể do công ty xây dựng. Ngồi trong căn phòng rộng 25m2 còn thơm mùi sơn mới, anh Nguyễn Văn Giang, công nhân tổ cắt, phấn khởi nói: “Vợ chồng tôi cùng là công nhân của công ty. Được công ty xét cho vào ở một căn phòng trong khu tập thể, vợ chồng tôi không phải đi ở nhà trọ, mỗi tháng đỡ tốn 400 ngàn đồng, nên cuộc sống đỡ khó khăn hơn”. Ông Nguyễn Phùng Xuân, Chủ tịch CĐCS Công ty, cho biết: “328 CNLĐ của công ty hiện nay đa số ở các tỉnh lân cận và các tỉnh Miền Trung vào đây làm việc, gặp khó khăn về nhà ở, phải ở trọ. Nhằm giúp CNLĐ có chỗ ở ổn định, an tâm gắn bó lâu dài với công ty, năm 2007, CĐCS đề xuất Ban Giám đốc quy hoạch 1 lô đất trong khuôn viên và đầu tư trên 1 tỉ đồng xây dựng nhà tập thể cho 100 CNLĐ vào ở”.

Không chỉ riêng ở Công ty TNHH Hào Tân, thời gian qua, các tổ chức công đoàn cũng có nhiều nỗ lực trong việc chăm lo cho CNLĐ an cư. Bà Nguyễn Thị Ánh Miều, Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Khu công nghiệp Trà Nóc), cho biết: “Đội ngũ CNLĐ của công ty đa số xuất thân từ nông thôn, phần lớn phải ở nhà trọ. Để giảm bớt khó khăn cho CNLĐ, hai năm qua, chúng tôi đề nghị Ban Giám đốc Công ty mỗi tháng hỗ trợ cho mỗi CNLĐ 100 ngàn đồng tiền thuê nhà trọ”. Bên cạnh sự nỗ lực của CĐCS, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố cũng luôn vận động công nhân viên chức lao động thành phố, các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn quyên góp tiền thông qua Quỹ “Tấm lòng vàng” Công đoàn Cần Thơ, “Đêm chung tay xây dựng tấm lòng vàng”... để xây nhà “Mái ấm công đoàn” cho CNLĐ nghèo. Anh Nguyễn Hoàng Giang, công nhân Công ty Cổ phần Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ (Khu Công nghiệp Trà Nóc), phấn khởi nói: “Nhà tôi không có đất sản xuất, hàng ngày vợ tôi làm mướn, lương của tôi mỗi tháng được hơn 1 triệu đồng, nên hai vợ chồng chỉ tạm đủ nuôi con, không có tiền cất nhà. Thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, hôm rồi công đoàn công ty đã xét cất nhà “Mái ấm công đoàn” cho tôi”. Tính từ năm 2007 đến nay, LĐLĐ thành phố và các CĐCS đã vận động xây dựng, tặng trên 50 căn nhà “Mái ấm công đoàn” cho CNLĐ nghèo. Nhiều CĐCS còn đứng ra tín chấp bảo lãnh cho CNLĐ vay hàng chục tỉ đồng vốn từ các ngân hàng để phát triển kinh tế, mua sắm phương tiện đi lại làm việc... góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Hằng năm, các cấp công đoàn phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động. Qua kiểm tra, đã đề nghị nhiều chủ doanh nghiệp chấp hành nghiêm việc thực hiện an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ; thực hiện nghiêm việc mua bảo hiểm cho CNLĐ và thực hiện ký kết hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể theo hướng có lợi cho CNLĐ. Điển hình như Công ty TNHH sản xuất kinh doanh đá Granite Tài Phong ở phường Ba Láng (quận Cái Răng) hoạt động từ năm 2002, sử dụng rất nhiều lao động nhưng suốt một thời gian dài doanh nghiệp này nợ tiền bảo hiểm của CNLĐ. Qua kiểm tra phát hiện, các cấp công đoàn và các cơ quan chức năng đã đề nghị Ban Giám đốc công ty chấp hành nghiêm việc đóng bảo hiểm, nên cuối năm 2006 doanh nghiệp này đã khắc phục và đóng bảo hiểm xã hội cho CNLĐ. Theo ông Phan Thông Huấn, Trưởng Ban Chính sách - Kinh tế LĐLĐ, nhờ quan tâm kiểm tra, giám sát của các cấp công đoàn nên đến nay đa số doanh nghiệp đều thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, góp phần hạn chế tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho CNLĐ. Đến nay, có 96% CNLĐ trong các doanh nghiệp Nhà nước, 95% CNLĐ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 60% CNLĐ trong các doanh nghiệp tư nhân được ký kết hợp đồng lao động, được mua bảo hiểm theo quy định của Luật Lao động; có 40% doanh nghiệp tư nhân có tổ chức công đoàn, 98% doanh nghiệp nhà nước, 100% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ký kết thỏa ước lao động tập thể. Việc tăng thu nhập của CNLĐ cũng được các cấp công đoàn đặc biệt quan tâm. Ông Lê Thành Dũng, Chủ tịch CĐCS Công ty Wong lung - Meko (Khu công nghiệp Trà Nóc), cho biết: “Mỗi khi Nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu, chúng tôi đều đề nghị chủ doanh nghiệp điều chỉnh lương cho CNLĐ. Vì thế, hiện hay mức thu nhập CNLĐ của công ty đạt xấp xỉ 2 triệu đồng, gấp đôi năm 2006”. Em Bùi Văn Linh, công nhân Công ty TNHH Hào Tân (Khu công nghiệp Cái Sơn - Hàng Bàng), phấn khởi, nói: “Đầu năm 2008, khi Nhà nước tăng lương tối thiểu lên mức 540 ngàn đồng, CĐCS công ty cũng đề nghị Ban Giám đốc điều chỉnh mức giá khoán sản phẩm cho tụi em. Vì thế, thu nhập của tụi em hiện nay tăng từ 200-300 ngàn đồng so với năm 2007”.

Các cấp công đoàn thành phố còn thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho CNLĐ. Hầu hết các vụ tranh chấp lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp công đoàn cấp trên cơ sở đều có mặt kịp thời để phối hợp với CĐCS doanh nghiệp giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho CNLĐ. Chị Ngô Thị Phương Anh, công nhân Công ty may Tây Đô, kể: “Năm rồi, không hiểu sao lô hàng xuất khẩu kiểm phẩm không đạt chất lượng, bị công ty nước ngoài trả lại. Sau khi xảy ra sự việc, công ty cho rằng lỗi do tôi, nên công ty phạt 11 triệu đồng. Sau đó tôi được cán bộ LĐLĐ thành phố và CĐCS công ty đứng ra bảo vệ, nên không phải bồi thường”. Thời gian qua, LĐLĐ thành phố đã cử cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật đại diện đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho CNLĐ tại 24 phiên tòa giải quyết tranh chấp lao động. Tất cả các vụ việc, cán bộ LĐLĐ thành phố đều bảo vệ thành công quyền lợi cho CNLĐ.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 4 cuộc đình công tại Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Pataya, Công ty TNHH Thủy sản Trường Nguyên, Công ty TNHH Đại Tây Dương và Công ty TNHH Thủy sản Phương Đông. Hơn 2.000 CNLĐ tham gia đình công chủ yếu yêu cầu chủ doanh nghiệp điều chỉnh một số khoản phụ cấp, thời gian làm việc... Sau khi xảy ra các vụ đình công này, các cấp công đoàn thành phố đã kịp thời có mặt, nắm rõ diễn biến tư tưởng, nguyện vọng của CNLĐ đề nghị các chủ doanh nghiệp điều chỉnh những nguyện vọng chính đáng để CNLĐ ổn định sản xuất. Em Nguyễn Thị Thủy, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Pataya, nói: “Được công đoàn đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chúng tôi rất tin tưởng an tâm làm việc và gắn bó lâu dài với công việc”.

Đồng chí Trần Hồng Mẫn, Chủ tịch LĐLĐ TP Cần Thơ, cho biết: “Thời gian tới, cùng với lãnh đạo đẩy mạnh vận động thành lập công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố tập trung củng cố nâng cao chất lượng các CĐCS để ngang tầm với nhiệm vụ là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNLĐ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20/NQ-TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước”.

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết