03/01/2014 - 08:40

Chính trường châu Âu sôi động

Chính trị trở lại là "tâm điểm" của châu Âu trong năm nay. Ảnh: AFP

Sau 5 năm vật lộn với nợ công, các chuyên gia phân tích dự đoán 2014 sẽ là năm giới lãnh đạo châu Âu quay về "bận rộn" với lĩnh vực chính trị khi nền kinh tế cựu lục địa đang có dấu hiệu khởi sắc.

Năm 2014 có xu thế sẽ định hình lại tương lai của châu Âu với 2 cuộc trưng cầu dân ý - một của người dân Scotland về vấn đề tách khỏi Vương quốc Anh diễn ra vào tháng 9, và tách xứ Catalan ra khỏi Tây Ban Nha dù chính quyền Madrid vẫn luôn phản đối ý tưởng trên vì cho rằng làm như vậy là vi hiến. Ở những nước châu Âu còn lại, đáng chú ý nhất có thể là chính trường Ý với nỗ lực thúc đẩy vấn đề thay đổi luật bầu cử của Thủ tướng Enrico Letta, cũng như sự "phản đòn" của cựu Thủ tướng Silvio Berlusoni sau khi bị truy tố hình sự và trục xuất khỏi Thượng viện. Riêng tại Pháp, người ta hy vọng tăng trưởng kinh tế có thể là động lực giúp Tổng thống Francois Hollande lấy lại uy tín khi tỷ lệ ủng hộ "Ngài bình dân" đã chạm mức thấp kỷ lục.

Nhưng sự kiện đáng chú ý nhất có thể là cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới. Mặc dù kết quả bầu cử sẽ trực tiếp quyết định đội ngũ lãnh đạo mới của EU, nhưng các chiến dịch vận động tranh cử EP trước đây dường như không thu hút được cử tri khi chỉ có khoảng 30% người đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, Global Post cho rằng tình hình năm nay có thể thay đổi khi kết quả các cuộc thăm dò cho thấy nhiều cử tri - đặc biệt là phe cực hữu mang tư tưởng bài ngoại đang trỗi dậy như một lực lượng chính trị có tầm ảnh hưởng lớn tại Pháp, Áo và Hà Lan- quyết tâm tận dụng cuộc bầu cử cơ quan lập pháp châu Âu để phản đối cách xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế thời gian qua và "cơ cấu" lại Brussels.

Trong đó, nổi bật hơn hết là tuyên bố thành lập "liên minh nghị sĩ cực hữu xuyên châu Âu" giữa nữ thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) Marine Le Pen của Pháp và lãnh đạo đảng Tự do (PVV) nổi tiếng chống đạo Hồi của Hà Lan Geert Wilders như một nỗ lực nhằm đưa đại diện của họ vào EP. Ngoài ra, những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và các đảng phái theo khuynh hướng phát xít được dự đoán có thể giành ghế trong EP khi lực lượng này đang ngày một gia tăng tại Anh, Ba Lan, Hy Lạp và Hungary. Cuộc bầu cử EP kỳ này cũng có ý nghĩa quan trọng hơn bởi theo qui định mới của Liên minh châu Âu (EU), EP sẽ có tác động trực tiếp đối với việc chọn chủ tịch Ủy ban châu Âu, người điều hành công việc hàng ngày của khối này (Chủ tịch đương nhiệm Jose Manuel Barroso sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm tới).

Chính trường châu Âu năm nay cũng sẽ "sôi động" với việc chọn người kế nhiệm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Cao ủy phụ trách đối ngoại EU Catherine Ashton và Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen.

MAI QUYÊN (Theo Global Post)

 

Chia sẻ bài viết