27/04/2018 - 02:45

Chính thức diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều 

Hôm nay 27-4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) sẽ hội đàm lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjeom). Đây là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên kể từ năm 2007, đánh dấu bước chuyển biến ngoại giao tích cực trên bán đảo Triều Tiên trước cuộc họp khác được trông đợi giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Chánh Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Im Jong-seok, ông chủ Nhà Xanh sẽ có mặt tại mốc bê tông phân định ranh giới hai miền Triều Tiên khi ông Kim bước qua biên giới vào lúc 9 giờ 30 sáng (giờ địa phương). Một toán quân danh dự của Hàn Quốc sau đó tháp tùng các nhà lãnh đạo đến dự lễ chào mừng tại quảng trường. Ông Kim sẽ ký vào sổ khách trước khi lịch trình làm việc buổi sáng bắt đầu, gọi sự kiện này là “hội nghị thượng đỉnh hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên”.  Theo Reuters, các cuộc đối thoại chính thức bắt đầu vào lúc 10 giờ 30 tại Nhà Hòa bình thuộc địa phận Hàn Quốc trong làng đình chiến Panmunjeom. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc kể từ sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1953.

Phái đoàn Bình Nhưỡng gồm nhiều quan chức quốc phòng, ngoại giao cấp cao như em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Yo Jong, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao (Quốc hội) Kim Yong Nam, cựu Giám đốc tình báo Kim Yong Chol và ông Choe Hwi - Chủ tịch Ủy ban hướng dẫn Thể thao Quốc gia. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại đảng Lao động Triều Tiên Ri Su Yong, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Triều Tiên Ri Myong Su, Bộ trưởng Quốc phòng Pak Yong Sik, Ngoại trưởng Ri Yong Ho và Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất Hòa bình liên Triều Ri Son Gwon cũng có mặt trong đoàn tháp tùng. Về phía Hàn Quốc, đoàn đại biểu nước này có 7 quan chức gồm lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Thống nhất Hàn Quốc.

Kết thúc buổi làm việc đầu tiên, hai phái đoàn có bữa ăn trưa riêng trước khi Tổng thống Moon cùng ông Kim tham dự lễ trồng cây vào buổi chiều. Một cây thông sẽ được trồng trên đường phân giới với ý nghĩa tượng trưng cho hòa bình và thịnh vượng. Ông Kim sẽ dùng nước sông Hàn của Hàn Quốc và ông Moon dùng nước sông Đại Đồng của Triều Tiên để tưới cây. Sau đó, hai nhà lãnh đạo tiếp tục tiến trình đàm phán và sẽ ký một hiệp ước đồng thời ra tuyên bố chung vào cuối buổi làm việc. Hai bên dự tiệc tối vào lúc 6 giờ 30 và xem chương trình văn nghệ trước khi kết thúc hội nghị. Ông Im Jong-seok cho biết việc các quan chức quân đội và ngoại giao hàng đầu Triều Tiên tham gia vào phái đoàn cấp cao dự hội nghị lần này là điều chưa từng có trong 2 hội nghị trước. Theo Chánh Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, động thái trên có thể là tín hiệu cho thấy Triều Tiên không chỉ coi đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều mà còn cân nhắc cho cuộc gặp quan trọng sắp tới với Mỹ. Ông Im Jong-seok cũng lạc quan cho đây là thông điệp Bình Nhưỡng có thể thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa và phương thức thiết lập hòa bình, xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Chuyên gia thận trọng

Trước những kỳ vọng, một số người cho biết  hội nghị liên Triều chỉ thành công khi xác nhận được cam kết của Triều Tiên đối với việc phi hạt nhân hóa và ký các thỏa thuận mở rộng. Nhưng với tiền lệ trong những lần hội nghị trước, giới quan sát cho rằng khả năng hai bên tiếp cận hiệp ước buộc ông Kim sẵn sàng từ bỏ năng lực hạt nhân ở thời điểm hiện tại là điều hết sức khó khăn, đặc biệt khi Triều Tiên đã đạt được những bước tiến đáng kể trong chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Reuters trích lời ông Im Jong-seok cũng thừa nhận phần khó nhất của hội nghị thượng đỉnh lần này là đàm phán với Bình Nhưỡng về cam kết cấp độ phi hạt nhân hóa. Ngay cả khi hai bên phần nào đồng ý một thỏa thuận như vậy, những chi tiết về thời gian hay bất kỳ nhượng bộ nào đáp ứng Triều Tiên cũng không dễ dàng giải quyết trong hội nghị hôm nay. Theo Yonhap, những vấn đề đó chỉ được giải quyết khi có sự tham gia của Mỹ - quốc gia duy nhất có thể cung cấp những gì mà Triều Tiên tìm kiếm, chẳng hạn đảm bảo an ninh. Trong khi đó, bất kỳ thỏa thuận bí mật nào giữa Seoul và Bình Nhưỡng sẽ là động thái cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng tính minh bạch của chính quyền Tổng thống Moon giữa lúc Hàn Quốc đang tìm kiếm một nhà lãnh đạo trung thực sau bê bối của cựu Tổng thống Park Geun-hye. Mặt khác, khoản lợi ích kinh tế nào mà Seoul đưa ra đáp ứng Bình Nhưỡng cũng có thể vi phạm các biện pháp trừng phạt quốc tế, thậm chí thách thức chiến lược “gây áp lực tối đa” mà chính quyền Tổng thống Trump đang áp lên Triều Tiên.

Ralph Cossa, Chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) dự đoán hội nghị thượng đỉnh hôm 27-4  khó tạo nên đột phá thực sự nào trên bán đảo Triều Tiên. Cho dù thành công hay thất bại, ông Cossa cho rằng các cuộc đàm phán với Seoul chỉ đơn thuần là “phương tiện” giúp Bình Nhưỡng gây áp lực cho các cuộc đối thoại sắp tới với Washington. Theo các chuyên gia phân tích, cuộc họp với lãnh đạo Mỹ có thể là “phần thưởng” đảm bảo tính hợp pháp quốc tế đối với Triều Tiên, đặc biệt sau khi nước này tuyên bố đã đạt được mục tiêu trở thành nhà nước hạt nhân. Trên cơ sở này, giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng có thể muốn sử dụng năng lực hạt nhân và tính hợp pháp sau cuộc gặp với Tổng thống Trump để tìm kiếm hiệp ước hòa bình chấm dứt tình trạng chiến tranh với Hàn Quốc và cuối cùng đẩy lực lượng Mỹ ra khỏi bán đảo Triều Tiên.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết