09/11/2024 - 07:57

Chính sách khí hậu của EU gặp khó vì phe cực hữu 

Giới học giả cảnh báo những tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng khí hậu đã khiến nông dân châu Âu dễ bị tổn thương trước các chính trị gia dân túy.

Nông dân Pháp biểu tình liên quan chính sách khí hậu hồi đầu năm nay. Ảnh: Alamy

Trong những năm gần đây, nông dân ở Tây Âu đã cực lực phản đối các chính sách bảo vệ hành tinh này vì chúng khiến họ phải trả giá quá đắt. Từ Hà Lan đến Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Ireland, Đức và Anh, các cuộc biểu tình nổ ra với việc các đoàn xe kéo gây tắc nghẽn đường phố và thậm chí nông dân lùa bò vào văn phòng của các bộ trưởng.

Những phong trào này được châm ngòi bởi những bất bình thực sự của nông dân. Họ cho rằng gánh nặng phải trả nhiều hơn cho ô nhiễm là một bước đi quá xa, sau cuộc khủng hoảng năng lượng và đại dịch vốn đã khiến nhiều người chật vật kiếm sống.

Trong vài thập niên qua, số lượng trang trại nhỏ trên khắp châu Âu đã giảm khi các tập đoàn thực hiện các cuộc thâu tóm, trong khi quyền tự do đi lại của Liên minh châu Âu (EU) tăng lên đã kéo theo tình trạng “chảy máu chất xám” và tàn phá các cộng đồng nông thôn.

Do những yếu tố này, nông dân nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn từ nhiều nhóm cực hữu và dân túy, bao gồm đảng Sự lựa chọn vì nước Đức và Phong trào Nông dân - Công dân trọng nông ở Hà Lan. Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) hồi giữa năm 2024 đã chứng kiến nhánh lập pháp của EU nghiêng hẳn về cánh hữu, với 25% thành viên EP hiện thuộc phe cực hữu, mức cao nhất từng được ghi nhận.

Các học giả lập luận rằng nếu quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp không được tài trợ đầy đủ và công bằng, nó có nguy cơ thúc đẩy sự trỗi dậy trở lại của phe cực hữu trên khắp lục địa già.

Trong chiến dịch tranh cử, các đảng cực hữu tuyên bố rằng họ sẽ phản đối việc thực hiện Thỏa thuận Xanh của châu Âu. Đây là một gói chính sách định hình chiến lược của EU để đạt mục tiêu đạt mức phát thải ròng khí carbon bằng 0 vào năm 2050.

Mặc dù phần lớn các chỉ thị của Thỏa thuận Xanh và các chính sách liên quan đã được hoàn thiện hồi đầu năm nay, nhưng việc thực hiện chúng có thể bị phá hoại bởi phe cực hữu. Một số người cho rằng các đảng chính thống thậm chí quay lưng lại với chính sách khí hậu để phù hợp với quan điểm của phe cực hữu. Ví dụ, cương lĩnh tranh cử của đảng trung hữu Nhân dân châu Âu (EPP) tuyên bố sẽ phản đối kế hoạch loại bỏ dần động cơ đốt trong vào năm 2035, chính sách mà nhiều đảng cực hữu bác bỏ.

Một biện pháp khác cũng bị phe cực hữu phản đối dữ dội là Luật Phục hồi Thiên nhiên. Luật này đã được nới lỏng đáng kể và được thông qua vào tháng 6. Hiện tại, luật này đặt ra các mục tiêu để bảo vệ và phục hồi thiên nhiên nhưng không trực tiếp buộc các trang trại phải thay đổi. Tuy nhiên, các nhóm cực hữu vẫn cho rằng luật sẽ ảnh hưởng đến nông dân.

Trong khi đó, nhóm cực hữu Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) chỉ trích mục tiêu đầy tham vọng hơn là giảm 90% lượng carbon vào năm 2040 mà Ủy ban châu Âu đề xuất vào đầu năm nay. Tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) hồi tháng 12-2023, EU đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn cầu khỏi nhiên liệu hóa thạch và muốn dẫn đầu bằng cách công khai cho thấy cách thức loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, EU khó đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu khi ảnh hưởng của phe cực hữu đang lớn mạnh trong EP.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết