18/10/2013 - 13:28

Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại

Các nghị sĩ Mỹ rời Đồi Capitol tối 16-10 sau khi bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách mới. Ảnh: Reuters

Cuối cùng, sau 16 ngày đóng cửa một phần, Chính phủ Mỹ đã chính thức mở cửa lại đầy đủ từ sáng 17-10 (tối qua theo giờ Việt Nam) nhờ lưỡng viện quốc hội đã lần lượt thông qua dự luật ngân sách và nâng mức trần nợ công vào giờ chót, sau đó Tổng thống Barack Obama lập tức ký ban hành.

Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua dự luật dài 35 trang với 81 phiếu ủng hộ và 18 phiếu chống vào tối 16-10, và Hạ viện do phe Cộng hòa chiếm đa số phê chuẩn vài giờ sau đó với 285 phiếu thuận và 144 phiếu phản đối (có cả thảy 87 hạ nghị sĩ Cộng hòa đứng về phe Dân chủ). Tổng thống Barack Obama đã nhanh chóng ký ban hành luật vào đầu giờ sáng 17-10, theo đó Chính phủ Mỹ được cấp tiền hoạt động đến ngày 15-1-2014 và được vay mượn bình thường đến ngày 7-2 năm tới.

Giám đốc Văn phòng Quản trị và Ngân sách Nhà Trắng Sylvia Mathews Burwell lập tức thông báo tất cả nhân viên chính phủ bị "thất nghiệp" trở lại làm việc ngay trong ngày. Một tin vui nữa là khoảng 350.000 người "nghỉ việc" từ hôm 1-10 vẫn được nhận lương bình thường. Trước đó, do tình thế cấp thiết, hàng trăm ngàn nhân viên của Bộ Quốc phòng và một số lĩnh vực khác đã được yêu cầu trở lại chỗ làm. Được biết chính quyền liên bang Mỹ hiện có hơn 2 triệu nhân viên.

Sắp tới Quốc hội Mỹ sẽ thành lập một ủy ban lưỡng viện nhằm thảo luận các vấn đề tài khóa trong dài hạn và phải qua một cuộc bỏ phiếu chung trước ngày 13-12. Ủy ban này cũng sẽ thảo luận kế hoạch cắt giảm ngân sách đối với các chương trình trợ cấp của chính phủ như an sinh xã hội, chăm sóc và hỗ trợ y tế, trong đó có đạo luật cải cách y tế của Tổng thống Obama.

Như vậy, cuộc chiến ngân sách Mỹ chỉ tạm thời lắng xuống. Vì thế, trong thông điệp ngày 17-10 hoan nghênh nước Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo nền kinh tế lớn nhất thế giới cần chính sách tài khóa dài hạn và ổn định hơn. Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời các nhà điều hành doanh nghiệp và chuyên gia phân tích Mỹ cho rằng nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế nước này chính là các dân biểu, những người được dự báo sẽ tiếp tục có các cuộc đàm phán căng thẳng mới về vấn đề ngân sách và trần nợ công trong thời gian tới.

ĐỨC TRUNG (Theo AP, Reuters)

 

Chia sẻ bài viết