Chuyến công du Trung Ðông của Tổng thống Donald Trump trong tuần này cho thấy Mỹ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như "một đòn bẩy" quyền lực địa chính trị mới trong cuộc cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc.

Tổng thống Trump và người đồng cấp UAE Zayed Al Nahyan tại Abu Dhabi ngày 15-5. Ảnh: Getty Images
Sự đón tiếp nồng hậu của các nguyên thủ quốc gia ở Trung Ðông dành cho ông Trump trong những ngày qua có thể được giải thích bởi một sự thay đổi chính sách quan trọng. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ hôm 13-5 đã công bố kế hoạch hủy bỏ "quy tắc phổ biến AI" của chính quyền tiền nhiệm Joe Biden, vốn hạn chế việc xuất khẩu các chip AI mạnh nhất sang các quốc gia khác, kể cả Trung Ðông.
Ðộng thái "cởi trói" này mở ra những thị trường lớn cho các nhà sản xuất chip AI của Mỹ, chẳng hạn như tập đoàn Nvidia, đồng thời có thể đẩy đầu tư toàn cầu vào các trung tâm dữ liệu AI mới ở Trung Ðông tăng lên.
Quả thật, Nhà Trắng đã công bố các thỏa thuận đầu tư giữa Mỹ và Saudi Arabia, bao gồm quan hệ đối tác Nvidia - Humain. Humain là công ty AI mới thành lập của Saudi Arabia và được hậu thuẫn bởi quỹ đầu tư quốc gia. Kế hoạch là xây dựng các trung tâm dữ liệu AI sử dụng hàng trăm ngàn chip tiên tiến nhất của Nvidia trong 5 năm tới.
Một công ty khác của Mỹ là Amazon Web Services và Humain cũng đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 5 tỉ USD vào quan hệ đối tác chiến lược để xây dựng "Khu AI" đầu tiên thuộc loại này tại Saudi Arabia. Dự án này là một phần trong tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về AI của Riyadh.
Tại chặng dừng chân cuối cùng là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào ngày 15-5, Tổng thống Trump và người đồng cấp nước chủ nhà Mohamed bin Zayed Al Nahyan đã chứng kiến lễ khai trương giai đoạn 1 của một cơ sở AI toàn diện mới tại thủ đô Abu Dhabi.
Cơ sở này, có quy mô lớn nhất bên ngoài nước Mỹ với diện tích khoảng 2.500ha, sẽ bao gồm 5GW công suất cho các trung tâm dữ liệu AI tại Abu Dhabi. Các trung tâm dữ liệu đóng vai trò then chốt cho sự phát triển các mô hình AI, trong khi mô hình và chip AI cung cấp giải pháp mới để các tác nhân nhà nước thể hiện sức mạnh trên trường quốc tế.
Thỏa thuận về khuôn khổ AI vừa được ký kết giữa hai nước cũng bao gồm các đảm bảo an ninh mạnh mẽ nhằm ngăn chặn việc chuyển hướng công nghệ của Mỹ. Tại UAE, các công ty Mỹ sẽ vận hành các trung tâm dữ liệu và cung cấp dịch vụ đám mây do Washington quản lý trên toàn khu vực.
Theo thỏa thuận mới, quốc gia vùng Vịnh này có thể được phép nhập khẩu 500.000 chip AI tiên tiến nhất của Nvidia mỗi năm, bắt đầu từ năm 2025. Số chip AI này sẽ được chuyển cho G42, tập đoàn hàng đầu về AI của UAE và đã cắt đứt quan hệ với các đối tác Trung Quốc để bắt tay với các hãng Mỹ.
UAE, "ông lớn" sản xuất dầu mỏ, đã chi hàng tỉ USD để trở thành một thế lực AI toàn cầu. Nhưng quan hệ của nước này với Trung Quốc đã hạn chế quyền tiếp cận các con chip của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Biden.
Chính quyền tiền nhiệm ở Mỹ giám sát nghiêm ngặt việc xuất khẩu chip AI sang các nước khác, do lo ngại các loại chip chiến lược này có thể bị chuyển hướng sang Trung Quốc và củng cố sức mạnh quân sự của Bắc Kinh. Ngoài việc bảo vệ an ninh quốc gia, việc hạn chế quyền truy cập vào phần cứng tốt nhất cũng là "đòn bẩy" mà Washington sử dụng để duy trì vị thế dẫn đầu trong cuộc đua AI.
Tuy nhiên, Mỹ hiện không còn là nơi có công ty duy nhất (Nvidia) cung cấp chip đủ mạnh để đào tạo các mô hình AI tiên tiến. Tập đoàn Huawei của Trung Quốc đang xuất xưởng con chip Ascend 910C để cạnh tranh với sản phẩm tốt nhất của Nvidia, trong khi tung ra hệ thống điện toán CloudMatrix 384 đấu với GB200 NVL72 của đối thủ Mỹ. Những hệ thống này đang thúc đẩy hoạt động nghiên cứu bên trong Trung Quốc và đang được đưa vào thị trường toàn cầu.
Nếu các thỏa thuận chip AI được thực hiện đầy đủ, đặc biệt tại UAE, vùng Vịnh có thể trở thành trung tâm quyền lực thứ ba trong cuộc đua AI toàn cầu, sau Mỹ và Trung Quốc.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump và sau đó dưới thời ông Joe Biden, Chính phủ Mỹ đã tranh luận về việc tìm cách ngăn chặn Trung Quốc sở hữu chip tiên tiến hay nỗ lực dẫn trước đối thủ một hoặc hai thế hệ về mặt công nghệ. Tuy nhiên, Bắc Kinh quyết tâm vượt qua các hạn chế của Washington để đạt được những bước tiến lớn, mà bằng chứng rõ nhất là công ty DeepSeek. Để vượt lên trong cuộc đua AI, Mỹ cần các khoản đầu tư và quan hệ đối tác mới. Đây là cốt lõi trong chuyến thăm Trung Đông lần này của ông Trump.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)