13/04/2012 - 21:26

CHDCND Triều Tiên phóng vệ tinh thất bại

Hãng thông tấn trung ương của CHDCND Triều Tiên KCNA hôm 13-4 cho biết nỗ lực phóng vệ tinh quan sát Trái đất của nước này vào sáng hôm qua đã thất bại khi tên lửa đẩy tầm xa không đưa vệ tinh vào quỹ đạo và rơi trở lại biển chỉ vài phút sau khi phóng. Các nhà khoa học và kỹ thuật của CHDCND Triều Tiên hiện đang tìm hiểu nguyên nhân sự cố. Trong khi đó, dư luận quốc tế cũng đã có những phản ứng đầu tiên về vụ thử này.

Vệ tinh Kwangmyongsong-3 (ảnh) được khai hỏa tại Trạm phóng vệ tinh Sohae ở Cholsan, phía Bắc tỉnh Phyongan, lúc 7 giờ 38 phút (giờ địa phương). Việc phóng vệ tinh này nhằm kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Bình Nhưỡng luôn khẳng định sự kiện này hoàn toàn có mục đích hòa bình, không phương hại đến các nước láng giềng hoặc khu vực và là quyền lợi của nước này. Tuy nhiên, kế hoạch phóng tên lửa ngay từ khi được công bố đã gây lo ngại và vấp phải sự phản đối của nhiều nước vì Hàn Quốc, Mỹ và các nước phương Tây cho rằng đây là “vỏ bọc” của một vụ thử tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Giới chức Hàn Quốc, Mỹ và Nhật xác định tên lửa đã rớt xuống vùng biển phân chia hai nước trên bán đảo Triều Tiên, ngoài khơi bờ biển phía Tây của Hàn Quốc sau khi bay được 120 km từ vị trí xuất phát. Điều này cho thấy loại tên lửa đẩy mới không đi xa được so với tên lửa mà CHDCND Triều Tiên đã phóng hồi năm 2009. Nó đã vỡ thành 20 mảnh khi tách phần thứ nhất và thứ hai của tên lửa ra khỏi vệ tinh. Bộ Chỉ huy phòng không vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) cho biết “không có mảnh vỡ nào rơi trên đất liền”, “tên lửa cũng như các mảnh vỡ sẽ không gây ra bất kỳ nguy cơ nào” và phần xác tên lửa bị rơi có thể đã hỏng. Seoul cho biết nước này đang triển khai tàu đến khu vực trên để tìm kiếm tên lửa bị rơi.

Theo Yuri Karash, chuyên gia vũ trụ của Học viện Vũ trụ Nga, dựa trên các thông tin vừa ghi nhận được, tên lửa có thể hỏng khi tách phần thứ 2. Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác cho rằng sự cố có thể xảy ra trước khi tách phần 1 và phần 2. “Phóng tên lửa là điều đòi hỏi có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và phải tiến hành trên nền tảng đúng chuẩn mực, nhưng CHDCND Triều Tiên lại thiếu kinh nghiệm”- nhà quan sát Karash nhận định. Hai lần phóng tên lửa trước đây của CHDCND Triều Tiên lần lượt diễn ra vào năm 1998 và 2009. “Đối với Bình Nhưỡng, do phải tự túc về công nghệ vũ trụ mà không được sự giúp đỡ từ các nước khác, nước này phải tốn nhiều thời gian và vất vả hơn để có được một vụ phóng thành công” - Karash nói.

Dù phóng vệ tinh không thành, CHDCND Triều Tiên vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề quốc tế. Vụ phóng tên lửa này đã phá vỡ thỏa thuận không thử tên lửa và làm giàu uranium mà nước này cam kết với Mỹ để đổi lấy gói cứu trợ lương thực từ Washington. Bên cạnh đó, phương Tây cũng cho rằng sự kiện hôm qua cũng vi phạm lệnh cấm thử tên lửa trên bán đảo Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc (LHQ). “Tuy nỗ lực phóng tên lửa thất bại nhưng hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên đe dọa đến an ninh khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế và trái với các cam kết gần đây của họ”- người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói.

Washington, Seoul và Tokyo kêu gọi trừng phạt nặng hơn đối với Bình Nhưỡng. Hội đồng Bảo an LHQ đã nhóm họp trong ngày hôm qua để thảo luận phương án phản hồi vụ phóng tên lửa này. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngắn sau cuộc gặp với ngoại trưởng hai nước Ấn Độ và Trung Quốc tại Mát-xcơ-va ngày 13-4, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết ngoại trưởng ba nước đã kêu gọi tất cả các bên liên quan bình tĩnh và kiềm chế, đồng thời kêu gọi nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

THUẬN HẢI
(Theo Reuters, IANS, Xinhua)

THUẬN HẢI (Theo Reuters, IANS, Xinhua)

Chia sẻ bài viết