Giới chức Bangladesh vừa cho hay một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại khu vực Chawkbazar thuộc Thủ đô Dhaka vào tối 20-2, khiến ít nhất 70 người thiệt mạng, trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Con số thương vong sẽ còn tăng thêm, do vẫn còn hàng chục người đang mắc kẹt trong các tòa nhà, không thể thoát ra do các khu phố hẹp, lại đang bị tắc nghẽn giao thông.

Hiện trường vụ hỏa hoạn tại Thủ đô Dhaka của Bangladesh hôm 21-2. Ảnh: Reuters
Giám đốc Sở Cứu hỏa và Bảo hộ dân sự, Julfikar Rahman cho hay ít nhất 50 người đã được chuyển tới bệnh viện, trong đó có một số trong tình trạng nguy kịch. Hàng trăm người dân đã đổ đến Bệnh viện Cao đẳng Y khoa Dhaka để tìm kiếm người thân bị mất tích. Được biết, khu vực Chawkbazar vốn chật ních với các tòa nhà chỉ nằm cách nhau qua những con hẻm hẹp. Khu vực này là nơi kết hợp giữa khu dân cư và khu thương mại, với các tòa nhà thường chứa cả cửa hàng, nhà hàng hoặc nhà kho ở tầng trệt.
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn, song Phó Giám đốc Lực lượng dân phòng và cứu hỏa thủ đô, Mahfuz Riven cho biết vụ việc xuất phát từ một vụ nổ bình gas vào lúc 22h40 tối 20-2 (giờ địa phương) và nhanh chóng lan sang một kho chứa hóa chất ở tầng trệt của một tòa nhà 5 tầng cũng như một loạt tòa nhà lân cận ở khu phố cổ Chawkbazar. Một nhân chứng cho biết lửa đã lan sang toàn khu vực trong vòng 5 phút sau vụ nổ, khiến mọi người gặp khó khăn khi di chuyển đến nơi an toàn. 200 lính cứu hỏa đã mất hơn 5 giờ mới kiểm soát được ngọn lửa.
Năm 2010, một vụ cháy tương tự cũng xảy ra tại một tòa nhà cũ chứa hóa chất ở Dhaka làm hơn 120 người chết. Sau vụ việc này, giới chức thành phố đã phát động một chiến dịch chấn chỉnh các kho hóa chất ở khu vực dân cư, song hoạt động đã dừng lại trong những năm gần đây.
Theo Reuters, vụ hỏa hoạn mới tại Dhaka có khả năng dồn sự chú ý vào việc thực thi lỏng lẻo các quy định về an toàn xây dựng ở Bangladesh, nơi có hàng trăm người chết mỗi năm vì các vụ tai nạn. Đơn cử, vụ sập nhà xưởng Rana Plaza hồi năm 2013 từng làm chết hơn 1.100 công nhân và vụ hỏa hoạn ở một nhà máy dệt may hồi năm 2012 khiến 112 người thiệt mạng.
NG. CÁT (Theo AP)