19/09/2009 - 09:48

Chạy đua vũ trang ở Tây bán cầu

Nga sẽ bán cho Venezuela một lượng lớn tên lửa S-300.

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez mới đây thông báo Mát-xcơ-va đã đồng ý cung cấp cho nước này một khoản tín dụng trị giá 2,2 tỉ USD để mua vũ khí của Nga. Tuy nhiên, theo hãng tin AFP và tờ Le Monde của Pháp, các hợp đồng quân sự vừa qua giữa Venezuela và Nga có thể lên đến hơn 6 tỉ USD, bao gồm 24 máy bay chiến đấu tiên tiến Sukhoi, 92 xe tăng T-72, 300 tên lửa đất đối không, nhiều bệ phóng rốc-két di động đa mục tiêu Smerch, và có khả năng cả một số tàu ngầm, hàng chục xe tăng T-90 hiện đại nhất của Nga. Trước đó, trong giai đoạn 2005- 2007, Caracas cũng đã mua của Mát-xcơ-va 24 máy bay tiêm kích Sukhoi, 50 trực thăng và 100.000 khẩu súng trường Kalashnikov trị giá 4,4 tỉ USD. Với những hợp đồng mua sắm vũ khí như trên, người ta nghi ngờ công bố chính thức của chính phủ Venezuela là kể từ năm 2003 đến nay, nước này chỉ dành 1,2-1,6% GDP cho ngân sách quốc phòng, trong đó năm 2008 là 2 tỉ USD, tức chỉ bằng 1,3% GDP. Giới phân tích quân sự cho rằng mặc dù năng lực tác chiến của Venezuela hiện nay nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng những chiến đấu cơ Sukhoi có tầm bay 3.000 km thì đủ sức đe dọa Thủ đô Bogota của Colombia, kênh đào Panama hay bang Miami của Mỹ mà không một quốc gia nào trong khu vực có được.

Cường quốc quân sự mạnh nhất Tây bán cầu là Brazil. Nếu tính theo phần trăm GDP, ngân sách quốc phòng của nước này chỉ tương đương với Venezuela, nhưng quy ra tiền lại lên đến 15,5 tỉ USD hồi năm ngoái. Và trước khi Nga và Venezuela đạt được các thỏa thuận quân sự mới, Brazil đã ký hợp đồng mua của Pháp 5 tàu ngầm lớp Scorpene, trong đó có 1 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, 50 máy bay vận tải quân sự EC-725. Tổng giá trị các hợp đồng này là 12 tỉ USD. Vào tháng 10 tới, tập đoàn Dassault của Pháp có thể sẽ bán thêm 36 máy bay chiến đấu Rafale trị giá nhiều tỉ USD nữa cho Brazil. Ngoài ra, để đáp lại các thỏa thuận béo bở trên, Pháp cam kết sẽ chuyển giao công nghệ chế tạo có liên quan, trong đó có công nghệ đóng thân tàu ngầm hạt nhân, cho Brazil.

Các nước Mỹ La-tinh có mức chi ngân sách quốc phòng cao (trong tỷ trọng GDP) năm 2008 phải kể đến Chile 3,5% (4,8 tỉ USD), Ecuador 2,9% (1,3 tỉ USD). Tiềm lực quân sự của Chile hiện nay rất mạnh. Từ năm 2002 đến nay, nước này đã mua 10 máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ, 18 chiến đấu cơ F-16 khác từ Hà Lan, 118 xe tăng Leopard 2 của Đức, nhiều tên lửa chống tàu chiến của Mỹ và một số tàu khu trục loại nhỏ từ châu Âu. Nhưng quốc gia chi “bạo” nhất vẫn là Colombia, đồng minh chủ chốt của Mỹ, với 4% GDP, tương đương 6,6 tỉ USD hồi năm ngoái. Sức mạnh quân sự của nước này rất lớn nhờ được Washington huấn luyện và trang bị vũ khí có giá trị 6 tỉ USD từ năm 2000. Năm 2007, chính quyền Bogota đã thông qua kế hoạch mua thêm nhiều máy bay chiến đấu mới trị giá 3,7 tỉ USD trong vòng 4 năm.

Mỹ vừa lên tiếng bày tỏ lo ngại Venezuela kích thích cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Trong khi đó, Venezuela tố cáo Mỹ kích động làn sóng mua sắm vũ khí ở Tây bán cầu bằng kế hoạch xây dựng hàng loạt căn cứ quân sự tại Colombia, và mới đây đã quyết định trao cho Bogota 5 hệ thống radar. Hồi giữa năm 2008, Lầu Năm Góc cũng đã khiến các nước trong khu vực bất an khi quyết định tái lập Hạm đội 4 hoạt động tuần tra trên vùng biển Mỹ La-tinh và Caribe.

PHÚC KIẾN
(Theo AFP, Reuters, Le Monde)

Chia sẻ bài viết