28/01/2022 - 00:55

Chạy đua phát triển vaccine chống Omicron 

Hãng dược Mỹ Moderna hôm 26-1 thông báo đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine tăng cường được phát triển riêng để chống biến thể Omicron, một ngày sau khi đối thủ Pfizer/BioNTech tiến hành cuộc thử nghiệm tương tự.

Cuộc thử nghiệm của Moderna có 600 người từ 18 tuổi trở lên tham gia, trong đó phân nửa đã tiêm hai liều vaccine của hãng này ít nhất 6 tháng trước, số còn lại tiêm hai liều cùng một mũi tăng cường 50 microgram. Liều vaccine đặc hiệu cho Omicron sẽ lần lượt là liều tăng cường thứ ba và thứ tư với hai nhóm.

Nhân viên y tế Israel được tiêm mũi tăng cường bằng vaccine Moderna.Ảnh: ISRAEL21c

Moderna cũng thông báo kết quả về hiệu quả chống Omicron của liều vaccine tăng cường 50 microgram. Theo đó, 6 tháng sau khi tiêm nhắc lại, mức độ kháng thể trung hòa chống Omicron giảm 6,3 lần so với mức đỉnh điểm đạt được 29 ngày sau tiêm, nhưng vẫn còn tồn tại ở tất cả những người đã tiêm. Ðối với biến chủng gốc của virus, mức độ kháng thể này chỉ giảm 2,3 lần sau nửa năm tiêm mũi tăng cường.

“Chúng tôi yên tâm bởi vẫn tồn tại kháng thể chống Omicron sau 6 tháng tiêm mũi tăng cường. Tuy nhiên, trước mối đe dọa lâu dài khi Omicron có khả năng né miễn dịch, chúng tôi đang cải tiến các ứng viên vaccine đặc biệt chống biến chủng này và rất vui khi bắt đầu tiến hành nghiên cứu giai đoạn hai”, Stephane Bancel, Giám đốc điều hành (CEO) của Moderna nói.

Phát biểu trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Pfizer/BioNTech cho biết đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine phiên bản chống Omicron trên 1.420 người lớn khỏe mạnh tuổi từ 18-55. Nghiên cứu sẽ đánh giá độ an toàn của vaccine, khả năng dung nạp và mức độ đáp ứng miễn dịch của vaccine, ở cả dạng liều chính và liều tăng cường.

Người tham gia nghiên cứu được chia làm 3 nhóm. Nhóm đầu tiên đã tiêm 2 liều vaccine Pfizer phiên bản thường trong ít nhất 90-180 ngày trước thử nghiệm. Họ sẽ được tiêm 1-2 mũi vaccine đặc hiệu chống Omicron. Nhóm 2 là những người đã tiêm 3 liều vaccine thường trong 90-180 ngày trước khi tham gia nghiên cứu. Họ sẽ được tiêm thêm một liều thường hoặc một liều phiên bản chống Omicron. Nhóm 3 là những người chưa từng tiêm vaccine và sẽ được tiêm 3 mũi vaccine đặc hiệu chống Omicron.

CEO Pfizer Albert Bourla tiết lộ hãng có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép lưu hành vaccine đặc hiệu chống Omicron vào tháng 3 tới. Cả Moderna và Pfizer/BioNTech đều phát triển vaccine dựa trên công nghệ mRNA, cho phép cập nhật tương đối dễ dàng vaccine để bắt kịp với tốc độ đột biến nhanh của những biến chủng mới.

Trước đó, Pfizer cho biết 2 liều vaccine phiên bản thường có thể không đủ hiệu quả trong ngăn chặn lây nhiễm Omicron và khả năng bảo vệ trước tình trạng nhập viện và tử vong cũng đang giảm dần. Tuy nhiên, 3 nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) kết luận những người được tiêm mũi 3 của vaccine dựa trên công nghệ mRNA có tỷ lệ không phải nhập viện do biến thể Omicron và chăm sóc khẩn cấp lần lượt là 90% và 82%.

Theo dữ liệu của CDC, những người từ 65 tuổi trở lên chưa tiêm vaccine bị nhiễm COVID-19 có nguy cơ nhập viện cao gấp 49 lần so với người đã tiêm đủ liều vaccine và mũi tăng cường. Nguy cơ này ở nhóm người từ 50 tuổi trở lên chưa tiêm vaccine và bị nhiễm bệnh là cao gấp 45 lần.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNBC, Reuters)

Chia sẻ bài viết