26/09/2011 - 09:37

Châu Âu xây "tường lửa tài chính"

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde (phải) trao đổi với Chủ tịch WB Robert Zoellick tại cuộc họp IMF-WB hôm 24-9. Ảnh: Getty Images

Các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ dành thời gian 6 tuần tới để xây dựng “tường lửa tài chính” nhằm bảo vệ hệ thống ngân hàng của họ trước tình trạng vỡ nợ khó tránh khỏi của Hy Lạp.

Theo nguồn tin từ Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), có tới 50% khả năng Hy Lạp bị vỡ nợ với số tiền 350 tỉ euro. Trước mắt, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và EU sẽ “dốc hầu bao” nhiều hơn vào tháng sau để “chống đỡ” cho chính quyền Athens, nhưng cách này chỉ được xem là giải pháp tình thế trong lúc các nhà lãnh đạo châu Âu tìm vốn cho quỹ giải cứu khu vực đồng euro (Eurozone), còn gọi là Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (EFSF) mang tính dài hạn.

EU đã chịu sức ép rất lớn tại hội nghị thường niên IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington cuối tuần qua, yêu cầu kiềm hãm cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành trong khu vực. Cuộc khủng hoảng này bị chỉ trích là nguyên nhân đẩy kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái kép trong 3 năm qua.

IMF lặp lại tuyên bố sẵn sàng giải cứu Hy Lạp trong ngắn hạn, tạo thêm thời gian cho châu Âu ngăn chặn cuộc khủng hoảng lan rộng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cảnh báo: “Mối đe dọa vỡ nợ dây chuyền, cuộc đua của ngân hàng và nguy cơ thảm họa phải được đặt lên bàn đàm phán, nếu không nó sẽ hủy hoại tất cả mọi nỗ lực, cả ở châu Âu và toàn cầu. Những quyết định về phương thức giải quyết các vấn đề của khu vực không thể chờ đợi cho đến khi khủng hoảng nghiêm trọng hơn”.

Các quan chức tham dự hội nghị cũng ước tính EFSF có thể phải huy động tới 1.700 tỉ euro, gấp gần 5 lần hiện nay, nhằm kích thích các thị trường, ngăn cản tác động gây bất ổn từ sự vỡ nợ của Hy Lạp.

Mỹ và Anh cho rằng EU cần triển khai các biện pháp mạnh để ngăn chặn hiệu ứng domino từ Hy Lạp lan tới các nước thành viên lâm nguy khác trong Eurozone như Bồ Đào Nha, Ý và Tây Ban Nha. Thông cáo chung của IMF sau hội nghị cuối tuần rồi nhắc lại sự cần thiết hành động cấp bách từ Eurozone và định thời hạn chót vào giữa tháng 10 tới để cải cách quỹ giải cứu.

Trong khi đó, một yếu tố mới góp vào danh sách dài những quan ngại kinh tế toàn cầu như tăng trưởng chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao tại Mỹ, khủng hoảng nợ ở Eurozone, bất ổn ở khu vực sản xuất dầu Trung Đông... là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc “hạ nhiệt”. Báo Bưu điện Washington mới đây cho biết tình trạng bán tháo cổ phiếu trên thị trường thế giới tuần qua một phần là do tâm lý lo lắng về kinh tế Trung Quốc đang rơi vào vòng xoáy lạm phát và thị trường bất động sản trở nên “quá nóng”.

Khi kinh tế thế giới rơi vào suy thoái năm 2008, các quan chức Trung Quốc đã phản ứng bằng cách tung ra gói kích thích trị giá 586 tỉ USD, làm bùng nổ thị trường bất động sản, xây dựng và tiêu thụ xe hơi. Vì vậy, Trung Quốc trở thành “phao cứu sinh” cho một số công ty hàng đầu của Mỹ như General Motors, vốn đang trên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tuyên bố không tung ra gói kích thích kinh tế mới và đang siết chặt tín dụng vào thời điểm hiện nay. Nói cách khác, nếu kinh tế thế giới lại rơi vào suy thoái, thông điệp từ Bắc Kinh là đừng trông chờ vào họ.

NGUYỄN MINH
(Theo Guardian, Washingtonpost)

Chia sẻ bài viết