27/05/2022 - 23:41

Châu Á trước nguy cơ “chạy đua vũ trang hạt nhân” 

Hôm 26-5, trong bài phát biểu dài 20 phút tại Hội nghị Quốc tế Tương lai châu Á lần thứ 27 do Tập đoàn truyền thông Nikkei tổ chức, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ diễn ra cuộc “chạy đua vũ trang hạt nhân” ở châu Á nếu như các nước ưu tiên an ninh quốc gia hơn sự ổn định của khu vực, trong bối cảnh các chính phủ tìm cách tăng cường năng lực quốc phòng sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: SCMP

“Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, các vấn đề nhạy cảm đang được thảo luận công khai, gồm việc có cho phép triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của họ hay không, hay thậm chí là tiến tới xây dựng khả năng phát triển các loại vũ khí đó hay không” - Thủ tướng Lý cho biết. Ông Lý lo ngại, nếu chỉ nhìn vào an ninh khu vực từ góc độ của các quốc gia riêng lẻ thì có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang. Do đó, các quốc gia châu Á nên nghĩ cách hợp tác cùng nhau để tăng cường an ninh tập thể và cùng các bên liên quan bên ngoài châu Á duy trì sự cân bằng quyền lực trong khu vực, trước khi xung đột nổ ra. “Chúng ta nên tối đa hóa cơ hội để các quốc gia có thể cùng nhau hợp tác và phát triển thịnh vượng, đồng thời giảm thiểu nguy cơ trở thành thù địch” - nhà lãnh đạo Singapore nhấn mạnh.

Trung Quốc, Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên

Trung Quốc và Nga ngày 26-5 đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên, do Bình Nhưỡng liên tiếp thử tên lửa đạn đạo thời gian gần đây.

Nghị quyết trừng phạt Triều Tiên nhận được sự ủng hộ của 13 ủy viên Hội đồng Bảo an. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga nói rằng họ ủng hộ một tuyên bố mang tính không ràng buộc hơn là một lệnh trừng phạt mới nghiêm khắc chống Bình Nhưỡng.

Lo ngại của Thủ tướng Lý được đưa ra trong bối cảnh cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và các chính quyền ở Seoul và Tokyo đều không công khai khuyến khích triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ tại các quốc gia đồng minh châu Á. Tuy nhiên, trong họp báo chung hôm 21-5 sau cuộc hội đàm với ông Biden, tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định cam kết vững chắc của Washington đối với việc bảo vệ Seoul và tăng cường khả năng “răn đe mở rộng” - thuật ngữ thường được dùng để nói về khả năng sử dụng toàn bộ năng lực quân sự của Mỹ, gồm cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ các đồng minh.

Ðề cập tới Trung Quốc, Thủ tướng Lý thúc giục Bắc Kinh tiếp tục hội nhập vào khu vực, qua đó một lần nữa kêu gọi Mỹ và Trung Quốc thiết lập đường dây liên lạc cởi mở ngay cả khi cả 2 nước quyết liệt cạnh tranh chiến lược, bởi nếu quan hệ Washington - Bắc Kinh ngày càng xấu đi thì sẽ dẫn đến sự chia cắt về công nghệ và chia rẽ chuỗi cung ứng hoặc thậm chí là những hậu quả không mong muốn.

Trong khi đó, khi nói tới căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, ở eo biển Ðài Loan và Biển Ðông, nhà lãnh đạo Singapore cho rằng “các nước phải hết sức lưu tâm và thận trọng trong việc xử lý các điểm nóng có khả năng gây ra xung đột”. Nếu xử lý sai, những điểm nóng này có thể dẫn đến sự leo thang nguy hiểm.

Song, để làm được như vậy, các thỏa thuận an ninh và cam kết kinh tế phải đi đôi với nhau để tạo thành một kiến trúc khu vực mở và bao trùm, trong đó Hiệp hội các quốc gia Ðông Nam Á (ASEAN) có thể đóng vai trò trung tâm.

Tối 26-5, trong phát biểu tại tiệc chiêu đãi các trưởng đoàn tham dự Hội nghị Quốc tế Tương lai châu Á lần thứ 27, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định châu Á sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng không chỉ ở khu vực mà còn trên toàn thế giới. Thủ tướng Kishida cho rằng, hiện tại châu Á không chỉ gói gọn trong phạm vi của châu Á mà được kỳ vọng sẽ mang lại hòa bình và thịnh vượng bền vững cho thế giới. Tầm nhìn của châu Á cần được đặt trong tổng thể khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, hậu COVID-19, là một khu vực tự do và cởi mở, một khu vực phát triển bền vững mạnh mẽ và một khu vực góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu. Trong đó, quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN đóng vai trò hết sức quan trọng. 

HOÀNG NAM (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết