11/07/2021 - 19:59

Châu Á đau đầu vì nạn tự sát giữa đại dịch 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nước châu Á đang rất vất vả vì vừa phải chống dịch vừa đối phó vấn nạn tự sát.

Nhiều người già Singapore phải sống cô đơn giữa đại dịch COVID-19. Ảnh: CNA

Nhiều người già Singapore phải sống cô đơn giữa đại dịch COVID-19. Ảnh: CNA

Người già Singapore kêu cứu

Theo tổ chức phòng chống tự tử Samaritans của Singapore (SOS), nước này hồi năm ngoái ghi nhận 452 vụ tự tử, tăng 13% so với năm 2019 và là mức cao nhất tại đây kể từ năm 2012.

Tự tử được ghi nhận ở tất cả các nhóm tuổi nhưng đặc biệt là ở người cao tuổi. Theo đó, có tới 154 người trên 60 tuổi quyên sinh, tăng 26%. Trong khi đó, số vụ tự tử ở các nhóm tuổi khác tăng 7%. Giám đốc điều hành SOS Gasper Tan cho biết, người cao tuổi trong thời kỳ đại dịch cảm thấy bị xã hội cô lập và luôn lo lắng về tình trạng tài chính. Họ cũng cảm thấy khó thích nghi với những thay đổi và có cảm giác cô đơn kéo dài, từ đó dẫn đến suy nghĩ tiêu cực.

Dù lượng người cao tuổi tự tử gia tăng nhưng số cuộc gọi đến đường đây nóng phòng chống tự tử hỗ trợ 24/24 của SOS trong năm ngoái lại sụt giảm, với chỉ 4.455 cuộc gọi, so với 4.816 cuộc hồi năm 2019. Ða số các cuộc gọi cho biết gặp khó khi đối mặt với sự cô đơn, đau khổ về tâm lý và cảm thấy quan hệ với xã hội và gia đình ngày càng nhạt dần, bởi một số người cao tuổi sống một mình và thiếu sự hỗ trợ trong việc đối phó với COVID-19.

Trong bối cảnh trên, Phó Giáo sư Helen Ko tại Ðại học Khoa học Xã hội Singapore, cho rằng nên tìm cách kết nối với những người già cô đơn và bị cô lập về mặt xã hội. “Thông thường, hầu hết những người cao tuổi muốn nghe giọng nói con người, đặc biệt là giọng nói quen thuộc của người thân” - bà Ko cho hay.

Phụ nữ, trẻ em Nhật, Hàn cùng cảnh ngộ

Năm 2020, tỷ lệ tự sát ở phụ nữ Nhật Bản tăng gần 15%. Riêng trong tháng 10 năm ngoái, Nhật Bản ghi nhận 879 vụ phụ nữ tự kết liễu đời mình, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2019. Ðặc biệt, số vụ phụ nữ xứ hoa anh đào tự sát tăng 8-18% sau khi nữ diễn viên Yoko Takeuci tự kết liễu đời mình vào tháng 9-2020. Trong đó, có tới 18-44% số ca mô phỏng theo phương pháp mà Yoko đã làm.

Jun Tachibana, người sáng lập dự án Bond, nói rằng khi các chị em gặp rắc rối và đối mặt với nỗi đau, họ thực sự không biết phải làm gì, và COVID-19 dường như đang đẩy những người vốn dễ bị tổn thương đến gần bờ vực hơn. Ðối với những người bị lạm dụng thể chất hoặc tình dục, virus Corona đã làm trầm trọng thêm vấn đề. Theo một báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế, chỉ trong tháng 4-2020, có hơn 13.000 trường hợp phụ nữ Nhật Bản bị bạo hành, ngược đãi. Do đó, Thủ tướng Yoshihide Suga kêu gọi giới chuyên gia thúc đẩy các biện pháp phòng chống tự sát một cách toàn diện.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số ca tự tử ở thanh thiếu niên nước này cũng tăng đột biến 25% trong năm 2020, với 499 trường hợp. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có thể là do các em có kết quả học tập kém, cảm thấy không chắc chắn trong nghề nghiệp, đối mặt với nhiều vấn đề gia đình và bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Khảo sát trực tuyến trên 715 trẻ em  của Trung tâm Sức khỏe và phát triển trẻ em Nhật Bản phát hiện, các triệu chứng trầm cảm trung bình và nặng hơn xuất hiện ở 15% học sinh tiểu học, 24% học sinh trung học cơ sở và 30% học sinh trung học phổ thông. Ðáng chú ý, 24% những người được hỏi cho biết từng có ý định tự tử, trong khi 16% nói rằng đã tự hành hạ bản thân mình.

Trong khi đó, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc tiết lộ, trong nửa đầu năm 2020, 1.924 phụ nữ đã tự sát, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số chuyên gia cho rằng đại dịch COVID-19 và tình trạng thất nghiệp là thủ phạm gây thêm áp lực cho giới trẻ tại xứ sở kim chi. Một cuộc khảo sát cho thấy cứ 4 thanh niên thì có một người đã nghĩ đến tự tử ít nhất một lần kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Con số này cao gấp 10 lần so với 2 năm trước đó.

Có thể phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi đa phần họ làm việc bán thời gian trong ngành dịch vụ khách sạn, bán lẻ và thực phẩm, vốn bị COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều phụ nữ cũng phải đối mặt thêm gánh nặng nuôi dạy con cái hay bị chồng bạo hành.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tự tử vẫn là “sát thủ” hàng đầu. Hàng năm, số người chết vì tự sát còn nhiều hơn số người qua đời vì HIV, sốt rét, ung thư vú, chiến tranh và giết người. WHO ghi nhận hơn 700.000 người chết do tự tử trong năm 2019, buộc tổ chức này phải đưa ra hướng dẫn mới nhằm giúp các nước cải thiện công tác phòng chống tự sát.

TRÍ VĂN (Theo BBC, SCMP)

Chia sẻ bài viết