Gần 2 năm sau khi quân đội Mỹ buộc lòng phải triệt thoái hoàn toàn khỏi Iraq, Thủ tướng Nouri al-Maliki giờ đây đang có chuyến thăm Washington lần đầu tiên trong vai trò của một thuyết khách cần cầu viện khẩn nhằm đối phó với làn sóng bạo lực sắc tộc đang ở mức tồi tệ nhất trong vòng 5 năm qua. Vô số vụ tấn công khủng bố đẫm máu mà phần lớn do các phần tử Hồi giáo cực đoan dòng Sunni bất mãn với chính phủ và thân al-Qaeda tiến hành ở Iraq từ đầu năm đến nay đã làm hơn 7.000 người thiệt mạng, bao gồm 38 vụ đánh bom tự sát và gần 600 người chết chỉ trong tháng 10.
Có mặt tại Washington từ ngày 29-10, ông al-Maliki phải "chạy đôn chạy đáo" tiếp xúc các lãnh đạo cấp cao của Quốc hội Mỹ, Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, các học giả tại Viện nghiên cứu hòa bình trước khi có cuộc gặp quan trọng nhất với Tổng thống Barack Obama vào hôm nay 1-11.
Dù được Mỹ đưa lên nắm quyền năm 2006, ông al-Maliki đã từ chối ký thỏa thuận an ninh song phương cho phép Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự và được hưởng quyền miễn trừ truy cứu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra bắn nhầm hay các hành vi nghiêm trọng và nhạy cảm khác. Ông cũng bị giới chức Mỹ chỉ trích vì "nhắm mắt làm ngơ" cho máy bay quân sự Iran mượn không phận vận chuyển vũ khí sang giúp chính quyền Syrie. Ngoài ra, Washington còn phê phán al-Maliki không chia sẻ quyền lực với phái chính trị Hồi giáo Sunni thiểu số đối lập, đồng thời chịu sự chi phối của Tehran.
Dẫu vậy, là quốc gia giàu dầu mỏ và nhận viện trợ 14 tỉ USD của Mỹ từ hai năm qua, Iraq vẫn được coi là đồng minh trọng yếu trong chiến lược chống khủng bố và kiểm soát khu vực Trung Đông đầy bất ổn của Mỹ. Đây là lý do Mỹ đã ký các thỏa thuận cung cấp nhiều loại trang thiết bị vũ khí cho Iraq nhưng nhiều lần tìm cách trì hoãn nhằm gây sức ép lên chính quyền Baghdad. Ngoài những chiếc trực thăng Apache chống các tay súng nổi dậy, Iraq còn muốn máy bay do thám, tên lửa và hệ thống đánh chặn tên lửa, thiết bị thu nhập thông tin an ninh, đồng thời đang cần thêm các chuyên gia huấn luyện, cố vấn quân sự và tình báo Mỹ.
Đại sứ Iraq tại Mỹ Lukman Faily cảnh báo nếu Washington không thực hiện các cam kết một cách nhanh chóng thì chính quyền Baghdad "sẽ đi tới bất cứ đâu", điều mà theo hãng tin AP có nghĩa là Iraq có thể tăng cường quan hệ ngoại giao với các đối thủ của Mỹ như Nga, Trung Quốc, Iran. Nhiều quan chức Mỹ hôm 30-10 đã thừa nhận tình trạng bất ổn ngày càng tăng ở Iraq không chỉ là mối đe dọa đối với các đồng minh khu vực mà cả với chính nước Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, là người từng "bôn ba" tị nạn ở Iran và Syrie thời Saddam Hussein, ông al-Maliki nhân dịp này còn muốn thể hiện khả năng đóng vai trò trung gian giữa Mỹ với Iran và Syrie, nhằm qua đó đánh bóng vị thế ngoại giao của mình dưới mắt người dân Iraq trước khi tranh cử nhiệm kỳ 3 vào năm tới.
KIẾN HÒA