Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) vừa thông báo, dự án sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng mang tên Hằng Nga 6 của nước này đang được triển khai theo đúng kế hoạch và dự kiến sẽ được phóng trong năm 2024.

Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 được phóng từ Trạm Không gian Satish Dhawan ở bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) hôm 14-7. Ảnh: ISRO
Theo đó, tàu Hằng Nga 6 sẽ hạ cánh ở khu vực có bồn địa Nam Cực-Aitken, một hố va chạm khổng lồ ở mặt phía xa Mặt trăng với đường kính 2.500km. Sau khi hạ cánh, tàu đổ bộ Hằng Nga 6 có nhiệm vụ khám phá và thu thập các mẫu đất đá từ nhiều khu vực để nâng cao hiểu biết của con người về Mặt trăng.
Để đảm bảo liên lạc giữa tàu Hằng Nga 6 sau khi đáp xuống Mặt trăng và Trái đất, Trung Quốc sẽ phóng vệ tinh thông tin liên lạc Thước Kiều 2 trong nửa đầu năm 2024. Cũng theo CNSA, Hằng Nga 6 sẽ mang theo tải trọng và dự án vệ tinh của 4 nước, gồm máy dò radon của Pháp, máy dò ion âm của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, gương phản xạ góc laser của Ý và khối lập phương của Pakistan để tìm kiếm băng và đá cổ.
Wang Qiong, phó giám đốc thiết kế sứ mệnh Hằng Nga 6 cho biết: “Cho đến nay, con người đã 10 lần mang về các mẫu vật Mặt trăng, tất cả đều được lấy ở phía gần Mặt trăng. Giới khoa học tin rằng các mẫu đá cổ hơn có thể được tìm thấy ở phía xa Mặt trăng”. Theo ông Wang, các mẫu đá ở các độ tuổi khác nhau có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về lịch sử Mặt trăng. “Nhiều quốc gia trên thế giới, gồm Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, đang nỗ lực khám phá cực Nam Mặt trăng. Chúng tôi kỳ vọng rằng khu vực này sẽ ngày càng trở nên nhộn nhịp hơn” - ông Wang nói thêm.
Trước đó, CNSA hồi năm ngoái cho biết sứ mệnh thám hiểm Hằng Nga 6 sẽ được triển khai vào năm 2025 nhưng đầu năm nay, kế hoạch phóng Hằng Nga 6 được đôn lên khoảng thời gian 2024-2025 và hiện mục tiêu mới là vào năm tới.
Theo tờ Asia Times, thông báo mới của CNSA được đưa ra sau khi nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc Ouyang Liyuan hôm 27-9 tuyên bố Chandrayaan-3, tàu thám hiểm của Ấn Độ hạ cánh xuống Mặt trăng hôm 23-8, thực sự không ở gần cực Nam Mặt trăng. “Chúng ta có 2 điều cần phải làm rõ về tàu đổ bộ lên Mặt trăng của Ấn Độ. Đầu tiên chính là sự mô tả về vị trí hạ cánh của nó là không chính xác. Thứ hai là mọi người quá lạc quan về sự tồn tại của băng ở cực Nam Mặt trăng” - ông Ouyang nói với tờ China Science Daily. Theo ông này, Chandrayaan-3 đã hạ cánh cách vùng cực Nam Mặt trăng ít nhất 619km nên sẽ là sai lầm khi nói rằng Ấn Độ đã đến cực Nam Mặt trăng hoặc thậm chí là ở gần đó.
Trước đó, Ấn Độ hôm 23-8 được cho đã trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh thành công tàu thám hiểm Chandrayaan-3 ở điểm gần cực Nam Mặt trăng - nơi vẫn là khu vực chưa được khám phá. Thành công này đã đưa Ấn Độ trở thành nước thứ 4 trên thế giới đáp xuống bề mặt Mặt trăng, chỉ sau Liên Xô (1966), Mỹ (1966), Trung Quốc (2018) và là quốc gia đầu tiên đổ bộ xuống cực Nam hành tinh. Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết, tàu Vikram và xe tự hành Pragyan tắt nguồn vào ngày 2-9 để bảo vệ các thiết bị bên trong trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt của bóng đêm trên Mặt trăng. Mỗi đêm trên Mặt trăng bằng 2 tuần của Trái đất và nhiệt độ có thể xuống đến -250°C. Các nhà khoa học tại ISRO tự tin rằng con tàu sẽ sống sót và thức giấc vào ngày 22-9, sau đó sạc lại năng lượng từ ánh sáng Mặt trời. Tuy nhiên đến nay họ vẫn chưa thể liên lạc được với nó.
Trong gần 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành công lớn trong việc nghiên cứu, thăm dò Mặt trăng. Năm 2013, robot Thỏ Ngọc của tàu Hằng Nga 3 hạ cánh xuống Mặt trăng, trở thành robot đầu tiên của Trung Quốc làm được điều này. Năm 2018, Trung Quốc phóng tàu Hằng Nga 4, mang theo robot tự hành Thỏ Ngọc 2. Đến năm 2019, Thỏ Ngọc 2 hạ cánh thành công xuống vùng tối Mặt trăng, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử làm được điều này. Năm 2020, tàu Hằng Nga 5 đáp xuống Mặt trăng và lấy mẫu đất đá mang về Trái đất. Đây là lần đầu tiên sau 44 năm mẫu vật Mặt trăng được mang về thành công.
Năm 1996, một bài báo trên tạp chí Science cho biết khả năng là có băng ở đáy một miệng núi lửa bị che khuất vĩnh viễn gần cực Nam Mặt trăng với trữ lượng ước tính từ 60.000m³-120.000m³. Lượng băng này nếu tìm thấy có thể được khai thác và điện phân thành ôxy và hydro, 2 nguồn tài nguyên quan trọng giúp con người sinh sống trên Mặt trăng. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hồi tháng 11 năm ngoái đã phóng một vệ tinh nhỏ được trang bị tia laser cận hồng ngoại và máy quang phổ để lập bản đồ băng ở các vùng bị che khuất vĩnh viễn gần cực Nam Mặt trăng. Song, NASA hồi tháng 5 cho biết sứ mệnh này đã thất bại do hệ thống đẩy của vệ tinh gặp vấn đề.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)