25/01/2013 - 08:32

Canh bạc chính trị

Bất chấp những lời cảnh báo của giới chính khách châu Âu và đồng minh Mỹ, Thủ tướng David Cameron vẫn tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về số phận thành viên của nước Anh trong Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2017 nếu như đảng Bảo thủ của ông tái đắc cử vào năm 2015 và đồng thời EU không thay đổi các hiệp ước mà ông cho là thu hẹp vị thế quốc gia và "lợi ích cốt lỗi" của Anh ở cựu lục địa. Ông Cameron cũng yêu cầu EU phải hội nhập bằng một thị trường chung với sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nước thành viên và hướng tới ký thỏa thuận thương mại tự do với các nước lớn bên ngoài, chứ không đơn thuần một Khu vực đồng Euro (Eurozone) không có nước Anh trong đó.

Dư luận cho rằng quyết định trên của ông Cameron là nhằm làm hài lòng phe chống EU đang tăng mạnh trong đảng Bảo thủ và đa số dân Anh được thăm dò tỏ thái độ muốn rời khỏi EU vì lo ngại cho nền kinh tế và sự ổn định của đất nước đang chịu tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Eurozone. Tuy nhiên, người dân Anh có thật sự muốn tách khỏi EU hay không thì khó khẳng định chính xác được. Một cuộc khảo sát của tổ chức phi chính phủ YouGov có trụ sở tại Luân Đôn hồi tuần rồi cho thấy tỷ lệ dân Anh muốn từ bỏ EU đã giảm mạnh, từ mức 51% hồi tháng 11-2012 xuống chỉ còn 34%. Không chỉ Công đảng đối lập mà cả đảng Dân chủ Tự do trong liên minh cầm quyền cũng phản đối trưng cầu dân ý vì lo ngại tạo ra tâm lý bất an trong dân chúng, không có lợi cho tương lai nước Anh.

Hiện tại, chỉ có Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết chấp nhận để ông Cameron đề xuất kiến nghị sửa đổi các hiệp ước của EU, trong khi các nước lớn khác như Pháp, Ý, Tây Ban Nha bác bỏ khả năng phải đàm phán lại thể chế của EU trong điều kiện kinh tế-tài chính của khu vực vẫn hết sức nguy cấp. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cảnh báo "nước Anh sẽ không thể có châu Âu trong thực đơn" và doanh nghiệp nước này sẽ "bị rút thảm đỏ" khi Anh ra khỏi lục địa già.

Theo các nhà phân tích, những đòi hỏi cải cách của chính quyền Luân Đôn sẽ là chủ đề bàn cãi nảy lửa và gây chia rẽ sâu sắc trong các cuộc họp của EU sắp tới. Nếu không có sự thỏa hiệp của 26 quốc gia còn lại thì tiến trình tái đàm phán sẽ chẳng đi tới đâu, trong khi giới lãnh đạo Anh cũng sẽ đối diện với nguy cơ bị cô lập.

Quyết định của ông Cameron có thể ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của các doanh nghiệp Anh, khiến nền kinh tế xứ sương mù thêm bấp bênh. Hệ lụy này nếu có chắc chắn ông Cameron sẽ phải gánh chịu trong cuộc tuyển cử năm 2015. Do vậy, hãng tin Mỹ CNN cho rằng việc đặt mình vào thế khó trong một sứ mạng bất khả thi, ông Cameron vừa bắt đầu một trong những "canh bạc chính trị" lớn nhất trong lịch sử nước Anh.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết