24/06/2022 - 09:34

Căng thẳng Nga - phương Tây leo thang 

MAI QUYÊN (Theo AP, CBS News)

Kaliningrad đang là “tiêu điểm” mới trên mặt trận đối đầu giữa Nga và phương Tây, sau quyết định của thành viên Liên minh châu Âu (EU) Litva cấm vận chuyển một số hàng hóa qua lãnh thổ nước này tới vùng đất nói trên vì lệnh trừng phạt của khối đối với Ðiện Kremlin.

Tàu chở hàng từ Kaliningrad của Nga tới ga đường sắt biên giới. Ảnh: Getty Images

Lãnh thổ phía Tây của Nga

Sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước vùng Baltic trở thành những quốc gia độc lập, Kaliningrad về mặt địa lý bị ngăn với phần còn lại của Nga bởi 3 nước đang là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) gồm Litva, Latvia và Estonia. Ở phía Nam là Ba Lan - một thành viên khác của NATO.

Kaliningrad có dân số hơn 400.000 người và là một trong những vùng thịnh vượng nhất của Nga nhờ ngành công nghiệp phát triển tốt. Cảng Baltiysk quanh năm không bị đóng băng. Ðây cũng là nơi đặt trụ sở của Hạm đội Baltic của quân đội Nga và một số cơ sở lắp đặt tên lửa Iskander có khả năng mang cả đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân. Lâu nay, phương Tây luôn e ngại Nga có thể đang tính tới hành động quân sự để đảm bảo hành lang trên bộ giữa đồng minh Belarus và khu vực Kaliningrad qua dải đất Suwalki nằm giữa Ba Lan và Litva. Dải đất này dài 65km, là tuyến kết nối trên bộ duy nhất giữa các nước Baltic và phần còn lại của EU. Vì vậy, khi quan hệ giữa Mát-xcơ-va với phương Tây xấu đi, vị thế quân sự của Kaliningrad càng trở nên quan trọng và được xem như chốt chặn của Nga trong trường hợp nổ ra xung đột.

Trong nỗ lực chống lại những gì mà Mát-xcơ-va coi là chính sách thù địch của NATO, Nga đã triển khai nhiều vũ khí tối tân đến Kaliningrad, trong đó có tên lửa phòng không tầm xa S-400 và tên lửa diệt hạm siêu thanh Bastion. Hồi tháng 4, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo có thể triển khai vũ khí hạt nhân, vũ khí siêu vượt âm đến Kaliningrad nếu Thụy Ðiển và Phần Lan gia nhập NATO, làm thay đổi cán cân trong khu vực.

Cùng với tầm quan trọng ngày càng tăng về quân sự, Kaliningrad còn sắm vai trò cảng giao thông và thương mại chiến lược của bờ biển Baltic. Nhưng sự phụ thuộc vào hàng hóa đi qua Ba Lan và Litva đồng thời khiến khu vực này dễ bị tổn thương. Năm 2002, EU và Mát-xcơ-va đạt thỏa thuận về đi lại giữa Nga và Kaliningrad, trước khi Ba Lan và Litva gia nhập khối vào năm 2004. Khi 2 nước này vào EU, Kaliningrad bị bao quanh 3 mặt bởi lãnh thổ của EU. Trong tháng này, Litva với tư cách thành viên đã ra lệnh ngừng vận chuyển hàng hóa bị EU cấm vận trên lãnh thổ họ, gồm các mặt hàng như than đá, kim loại, các sản phẩm công nghệ cao, vật liệu xây dựng… Lệnh cấm đồng nghĩa Nga không thể vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ nước này sang Kaliningrad.

Nga dỌA trả đũa, Mỹ lên tiếng          

 Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev mô tả quyết định “phong tỏa” là vi phạm luật pháp quốc tế và Nga chắc chắn đáp trả những hành động thù địch như vậy với hậu quả “rất tiêu cực” đến người dân Litva. Ðiện Kremlin và Bộ Ngoại giao Nga cũng lên tiếng về hành động trả đũa, trong đó khả năng được dự đoán nhiều nhất là ngắt kết nối Litva khỏi lưới điện khu vực.

Ðáp lại, Litva cho biết họ chỉ là tuân thủ các quyết định của EU mà không phải thực hiện các lệnh trừng phạt đơn phương; đồng thời lưu ý lệnh cấm không ảnh hưởng vận chuyển hành khách cùng hàng hóa ngoài danh sách cấm vận. Về động thái trả đũa nếu có từ Nga, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng không mong đợi một cuộc đối đầu quân sự.

Theo các nhà phân tích, việc Nga dùng vũ lực chống Litva sẽ gây ra xung đột trực tiếp với NATO khi khối này có nghĩa vụ bảo vệ bất kỳ thành viên nào theo điều khoản phòng vệ tập thể. Hồi đầu tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng khẳng định cam kết chặt chẽ của Washington đối với nguyên tắc nền tảng của NATO. “Chúng tôi đứng về phía Litva và các đồng minh NATO” - quan chức này khẳng định.

Chia sẻ bài viết