|
Thử nghiệm tên lửa đánh chặn trong hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ. |
Ngày 14-8, Ba Lan đã ký thỏa thuận cho phép Mỹ triển khai một phần hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ của mình. Theo đó, Washington sẽ lắp đặt 10 tên lửa đánh chặn tại một căn cứ quân sự ở phía Bắc Ba Lan. Đổi lại, Mỹ cam kết hỗ trợ quân sự cho Vác-xa-va trong trường hợp Ba Lan bị một bên thứ ba tấn công, đồng thời giúp Ba Lan hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, Washington còn triển khai một đơn vị tác chiến gồm 96 tên lửa Patriot và các nhân viên chuyên trách tại một căn cứ quân sự ở Ba Lan, có nhiệm vụ bảo vệ nước này khỏi các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của đối phương. Điều đáng nói là thỏa thuận trên được ký kết vào thời điểm khá nhạy cảm: Mỹ và đồng minh đang tìm cách “trừng phạt” Nga xung quanh vụ xung đột Nga- Gruzia.
Trưởng đoàn đàm phán Mỹ John Rood tuyên bố đây là một thỏa thuận quan trọng đối với an ninh của Mỹ, Ba Lan và các quốc gia đồng minh khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Washington cho rằng các tên lửa tại Ba Lan cùng với trạm radar ở CH Czech sẽ giúp họ hoàn thành hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu đang được lắp đặt tại Mỹ, Đan Mạch và Anh trong nỗ lực bảo đảm an ninh cho Mỹ và các đồng minh trước mối đe dọa từ “các quốc gia thù địch”, như Iran chẳng hạn. Tại Washington, người phát ngôn Nhà Trắng Dana Perino cho biết Tổng thống George Bush rất hài lòng với thỏa thuận vừa đạt được và một lần nữa khẳng định lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu không nhằm bao vây, khống chế Nga.
Sau khi Mỹ và Ba Lan ký thỏa thuận trên, Nga lập tức có phản ứng. Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã hủy bỏ kế hoạch thăm Vác-xa-va, làm “tăng nhiệt” quan hệ giữa hai nước. Trước đó, Vác-xa-va đã công khai ủng hộ Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili cũng như thúc giục Liên minh châu Âu (EU) và NATO có hành động cứng rắn chống lại Mát-xcơ-va trong cuộc chiến tại Nam Ossetia. Còn Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga Konstantin Kosachyov thì tuyên bố: “Chính thỏa thuận này, chứ không phải sự chia rẽ Nga-Mỹ về vấn đề Nam Ossetia, có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước”.
Mát-xcơ-va từng nhiều lần cảnh báo rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Đông Âu chỉ làm gia tăng bất ổn an ninh trên thế giới và Nga sẽ phải đưa ra những hành động đáp trả tương xứng. Một trong những biện pháp đó, theo các nhà ngoại giao Nga, là khả năng nước này sẽ triển khai hệ thống tên lửa hiện đại và máy bay ném bom chiến lược tại biên giới với Ba Lan.
V.P (Theo AFP, Nytimes, BBC, AP)