Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm phải virus gây bệnh viêm phổi cấp (SARS-CoV-2), mọi người được khuyến nghị thường xuyên rửa tay và khử trùng các bề mặt hoặc vật dụng dùng chung. Tuy vậy, các chuyên gia nhấn mạnh rằng quá trình làm vệ sinh, khử khuẩn phải thực hiện đúng cách để tránh nguy cơ sản phẩm tẩy rửa, khử trùng tổn hại tới sức khỏe người sử dụng. Dưới đây là những điều cần lưu ý:
1. Luôn có biện pháp bảo vệ khi dùng sản phẩm tẩy rửa. Các sản phẩm dùng tiêu diệt khuẩn cũng chứa những thành phần hóa chất độc hại, có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho người sử dụng. Hiệp hội Phổi Mỹ (ALA) cảnh báo có những sản phẩm tẩy rửa gia dụng gây kích ứng mắt hoặc cổ họng, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Các chuyên gia cho biết một số sản phẩm giải phóng hóa chất độc hại, như các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hoặc các thành phần nguy hiểm tới sức khỏe - bao gồm amoniac và chất tẩy trắng.
Tương tự, Tiến sĩ da liễu Suzanne Friedler tại Trung tâm Y khoa Mount Sinai cho biết tuy rửa tay là điều cần thiết để phòng bệnh, nhưng việc liên tục rửa tay và dùng sản phẩm khử trùng tay có thể gây ngứa rát và nứt da. Do vậy, để phòng ngừa tổn thương da, cần tránh rửa tay bằng nước nóng và nên chọn loại xà bông cho da nhạy cảm. Ưu tiên sử dụng dung dịch rửa tay chứa cồn ethanol vì ít gây kích ứng da hơn loại chứa n-propanol hoặc isopropanol.
Hãy nhớ đeo bao tay trước khi dùng sản phẩm vệ sinh nhà cửa và thường xuyên bôi kem dưỡng da để bảo vệ đôi bàn tay.
Đồ điện tử là một trong những vật dụng cần được vệ sinh thường xuyên. Ảnh: Getty Images
2. Không nhất thiết phải sử dụng sản phẩm có độ tẩy rửa cao. Theo Tiến sĩ Brendaliz Santiago-Narvaez tại Đại học Rollins, do SARS-CoV-2 là loại virus được bao bọc bởi lớp vỏ lipid, nên bất cứ chất tẩy rửa nào có thể phá vỡ lớp màng bảo vệ này đều có thể tiêu diệt được virus. Vì thế, sản phẩm tẩy rửa đầu tiên mà bà khuyên dùng là xà bông và nước - hai thành phần đủ làm phân hủy lớp màng ngoài bảo vệ SARS-CoV-2. Tương tự, các loại bột giặt thông thường cũng đủ làm sạch quần áo, nhưng nếu có thể thì nên xả quần áo qua nước nóng 1 lần để đảm bảo virus bị diệt sạch.
3. Không bỏ sót góc nào khi lau dọn. Các bề mặt trong nhà rất dễ nhiễm khuẩn vì những hành động vô thức, chẳng hạn như thói quen để các túi đựng đồ vừa mua về lên bàn ăn ngay khi bước vô nhà. Đáng lo ngại là theo một nghiên cứu chung của nhiều nhà khoa học Mỹ, SARS-CoV-2 có thể tồn tại từ 2-3 ngày trên bề mặt nhựa hoặc kim loại, nghĩa là việc quên lau chùi bề mặt bị nhiễm virus có thể đẩy bạn vào nguy cơ nhiễm bệnh kể cả vài ngày sau đó. Do đó, mọi người cần xem tất cả bề mặt trong nhà đều là nơi có thể đã nhiễm virus, phải được lau sạch.
Ngoài những vật dụng ưu tiên vệ sinh đầu tiên như tay nắm cửa/tủ, tay cầm các thiết bị, ngăn kéo, mặt bàn, remote TV, bàn phím máy tính và công tắc đèn, bạn cũng cần lau chùi luôn những nơi hiếm khi được làm sạch như song cửa sổ hay ngạch cửa. “Số lượng bề mặt có tiếp xúc nhiều hơn mọi người tưởng ”- Tiến sĩ vi trùng học Brian Hedlund tại Đại học Nevada nhấn mạnh.
4. Cần phân biệt rõ giữa làm sạch và khử trùng các bề mặt. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết việc lau chùi các bề mặt thường xuyên chạm tay không giống với việc khử trùng chúng. Cụ thể, lau chùi bằng xà bông và nước chỉ “làm sạch” vi trùng, bụi bẩn và tạp chất khác ra các khỏi bề mặt, nhưng không “tiêu diệt” vi khuẩn hay virus, trong khi các biện pháp khử trùng và diệt khuẩn sẽ “tiêu diệt” vi khuẩn và virus, nhưng không đảm bảo “làm sạch” các bề mặt và vật dụng. Nói chung, để phòng tránh SARS-CoV-2, công việc vệ sinh phải cần kết hợp cả hai phương pháp lau sạch và khử trùng để giảm số lượng vi khuẩn bám trên các bề mặt tới mức an toàn.
AN NHIÊN (Theo Healthline)