31/12/2007 - 21:29

Học chương trình tăng cường tiếng Pháp

Cần cân nhắc kỹ

Được học ở những trường trọng điểm của thành phố, vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có bằng tú tài Pháp, có cơ hội tìm được học bổng du học Pháp - Đó là những hấp lực của chương trình tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp (gọi tắt là chương trình tăng cường tiếng Pháp). Những hấp lực này đã khiến nhiều phụ huynh chọn cho con em mình theo học chương trình tăng cường tiếng Pháp bất kể sức học, năng lực của các cháu. Hệ quả tất yếu là nhiều học sinh không theo kịp chương trình, phải chuyển trường, chuyển lớp.

Mỗi tuần 12 tiết tiếng Pháp: Quá nặng!

Học sinh lớp 5B7, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đang chăm chú nghe thầy hướng dẫn ôn thi môn tiếng Pháp. Ảnh: L.G 

Cách nay 4 năm, chị Huỳnh Thị Thanh Hoa, nhà ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, rất phấn khởi khi con trai thi đậu vào lớp 1 Chương trình tăng cường tiếng Pháp, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản. Vợ chồng chị nghĩ đơn giản rằng con mình được học thêm một ngoại ngữ càng tốt nhưng lại chẳng ngờ cháu không có năng khiếu với môn học này. Càng học, cháu càng đuối. Đến hết học kì I lớp 1, cháu bơ phờ mệt mỏi, thường xuyên không làm bài tập... và rất sợ môn tiếng Pháp. Chị Hoa cho biết: “Cả nhà không ai biết tiếng Pháp nên không hướng dẫn thêm được gì cho cháu”. Do đã cam kết với nhà trường nên vợ chồng chị không thể chuyển lớp cho con. Tìm giáo viên tiếng Pháp phụ đạo riêng thì gia đình không đủ điều kiện. Cuối cùng, đầu năm học này, anh chị đành ngậm ngùi chọn giải pháp chuyển trường cho con mình.

Theo ông Nguyễn Văn Sáu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, khoảng 80% học sinh học các lớp tăng cường tiếng Pháp theo kịp và học tốt chương trình tiếng Pháp. Còn bà Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền, cho biết: “Sau một thời gian con theo học chương trình tăng cường tiếng Pháp, một số phụ huynh đã xin cho con chuyển lớp nhưng trường không thể đáp ứng được yêu cầu này trừ những trường hợp đặc biệt: bệnh, sức khỏe yếu có xác nhận của bác sĩ...”.

Thực tế cho thấy chương trình tăng cường tiếng Pháp khá nặng đối với học sinh tiểu học. Học sinh tiểu học tham gia chương trình này phải học thêm 12 tiết/tuần so với các học sinh khác cùng khối lớp. Ở Trường Tiểu học Ngô Quyền, hằng ngày, học sinh các lớp tăng cường tiếng Pháp ra về muộn hơn gần 1 tiết so với các lớp khác. Cụ thể, học sinh lớp tăng cường tiếng Pháp ra về vào 17 giờ trong khi những học sinh khác ra về lúc 16 giờ 20 phút. Đó là chưa kể đến việc học sinh phải học lồng ghép các tiết tăng cường tiếng Pháp vào chương trình học các môn tự chọn. Chẳng hạn, tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, buổi học chiều ngày thứ 4, học sinh lớp 1P5 học 2 tiết tiếng Pháp, 1 tiết Toán và 1 tiết ôn tập. Còn học sinh lớp 1A2 (lớp bán trú bình thường) cũng học 4 tiết nhưng là học các môn: đàn, cờ, thể dục và phụ đạo... Theo cô Phạm Thị Hơn, giáo viên chủ nhiệm lớp 5P7, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thời gian qua đã có một số học sinh, phụ huynh than phiền chương trình quá nặng. Với thời khóa biểu lên đến 12 tiết tiếng Pháp/tuần, nhiều học sinh “đuối” và cảm thấy bị áp lực bởi môn học này.

Lợi bất cập hại

Không ít phụ huynh xem việc cho con thi vào lớp 1 Chương trình tăng cường tiếng Pháp là giải pháp tình thế để được vào học các trường tiểu học trọng điểm: Lê Quý Đôn, Ngô Quyền, Trần Quốc Toản (quận Ninh Kiều), Lê Bình 1 (quận Cái Răng)... Cứ thế nối tiếp, lên cấp 2, cấp 3, học sinh chương trình tăng cường tiếng Pháp sẽ được vào học các trường THCS, THPT: Đoàn Thị Điểm, Lương Thế Vinh, Châu Văn Liêm, Chuyên Lý Tự Trọng... Cái lợi trước mắt ấy đã khiến nhiều phụ huynh cứ chọn cho con em mình học chương trình này, bất kể các cháu có năng khiếu ngoại ngữ và sức học có theo nổi chương trình hay không. Mặc dù khi mua hồ sơ đăng ký thi vào lớp 1, hầu như phụ huynh nào cũng được người bán hồ sơ nhắc nhở: học sinh vào học chương trình tăng cường tiếng Pháp không được chuyển sang các lớp học khác trong suốt 5 năm học tại trường nhưng đa số phụ huynh vẫn quyết tâm đeo đuổi chọn lựa của mình.

Công bằng mà nói, chương trình tăng cường tiếng Pháp dành cho học sinh tiểu học là chương trình hay đối với những học sinh có năng khiếu, năng lực. Chị Lê Thị Ngọc Ánh, nhà ở đường Trần Hưng Đạo, phường An Nghiệp, cho biết: “Ngay từ đầu, gia đình đã định hướng cho cháu học tiếng Pháp để đi theo ngành y. Do ở nhà không có ai biết tiếng Pháp nên vợ chồng tôi tìm giáo viên phụ đạo cho cháu. Hiện nay, cháu đang học lớp 3 và rất thích môn tiếng Pháp. Qua tìm hiểu với giáo viên, tôi được biết cháu học giỏi môn này”. Còn theo cô Trịnh Thị Bích Hà, giáo viên dạy môn tiếng Pháp, Trường Tiểu học Ngô Quyền, để giảm áp lực môn học tiếng Pháp cho học sinh, các giáo viên thường tạo một tiết học sinh động, theo tiêu chí học mà chơi, chơi mà học. Vì thế, học sinh rất tự tin, hoạt bát trong giao tiếp.

Ông Trần Thanh Tài, Phó Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, học sinh chương trình tăng cường tiếng Pháp học 12 tiết tiếng Pháp/tuần là đã giảm 3 tiết/tuần so với trước đây. Đây là chương trình tự chọn; học sinh, phụ huynh tham gia chương trình là hoàn toàn tự nguyện”.

Thời gian qua, không ít học sinh của chương trình tăng cường tiếng Pháp đậu tốt nghiệp THPT và bằng tú tài Pháp với kết quả cao, tìm được học bổng du học Pháp. Điều này cho thấy hiệu quả của chương trình. Tuy nhiên, phụ huynh cần cân nhắc thật kỹ giữa tính ưu việt của chương trình và năng lực học tập của con em để có sự chọn lựa đúng đắn. Tránh chọn lựa không phù hợp, chương trình học quá nặng nề sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến thể lực, trí lực của các em.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết