18/01/2023 - 06:24

Cách Trung Quốc moi bí mật công nghệ Mỹ 

MAI QUYÊN (Theo BBC)

Theo chuyên gia phân tích Nick Marro của Đơn vị Tình báo Kinh tế Anh, việc đánh cắp bí mật thương mại “rất hấp dẫn” vì nó cho phép các nước “đi tắt đón đầu” trong chuỗi giá trị toàn cầu, thay vì tốn nhiều thời gian và tiền bạc cho nghiên cứu phát triển.

Ảnh: Security On-Demand

Ảnh: Security On-Demand

Nhìn vào 2 bức hình trên, nhiều người sẽ không nhận ra khác biệt giữa tấm ảnh gốc bên trái và bức còn lại đã qua chỉnh sửa với kỹ thuật giấu tin (steganography). Đây là phương pháp ghi dữ liệu không phổ biến và khó phát hiện. Lợi dụng điều này, cựu kỹ sư Xiaoqing Zheng chuyên về kỹ thuật tua-bin của hãng General Electric (GE) đã sử dụng steganography để đánh cắp khoảng 20.000 tệp của GE và cung cấp chúng cho đồng phạm ở Trung Quốc.

GE là tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng của Mỹ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, năng lượng và hàng không vũ trụ, sản xuất mọi thứ từ tủ lạnh đến động cơ máy bay. Theo cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, bị cáo Zheng trong quá trình làm việc cho GE ở bang New York giai đoạn 2008-2018 đã đánh cắp các dữ liệu nhạy cảm bằng cách giấu chúng trong mã nhị phân của ảnh kỹ thuật số, rồi gửi hình đó đến tài khoản email cá nhân. Những thông tin mà Zheng đánh cắp trị giá hàng triệu USD và tất cả dữ liệu trên cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho Chính phủ Trung Quốc, cũng như các công ty và trường đại học đại lục.

Năm 2018, ông Zheng bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ. Sau phiên tòa xét xử kết thúc vào tháng 3-2022, công dân Mỹ gốc Hoa này bị kết tội âm mưu tiến hành hoạt động gián điệp kinh tế cho Bắc Kinh và chịu án 2 năm tù. Người này còn phải nộp phạt 7.500 USD và chịu quản chế một năm sau khi mãn hạn tù. Đây là vụ gián điệp thương mại mới nhất trong hàng loạt vụ tương tự bị chính quyền Mỹ truy tố. Đây cũng là một phần của cuộc cạnh tranh rộng lớn mà Washington đang đối mặt, khi Trung Quốc đang tìm mọi cách lấy được bí quyết công nghệ để thúc đẩy kinh tế và thách thức trật tự địa chính trị. Bất chấp chỉ trích, Chính phủ Trung Quốc luôn bác bỏ cáo buộc như vậy.

“Trung Quốc tìm cách lật đổ vị thế Mỹ”

Trong thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ về vụ việc ở GE, Trợ lý Giám đốc FBI Alan Kohler Jr cho biết Bắc Kinh đang nhắm vào các kỹ năng của Mỹ và tìm cách “lật đổ” vị thế lãnh đạo toàn cầu của Washington. Hồi tháng 7-2022, Giám đốc FBI Christopher Wray cũng lưu ý Trung Quốc đang “rình mò” và có ý định “cướp đoạt” tài sản trí tuệ của các công ty phương Tây, từ nhóm thuộc danh sách 100 doanh nghiệp tốt nhất của Fortune đến những công ty mới thành lập.

Theo Ray Wang, người sáng lập và Giám đốc điều hành công ty tư vấn Constellation Research trụ sở tại Thung lũng Silicon, thiết bị hàng không và vũ trụ nằm trong số 10 lĩnh vực mà chính quyền Trung Quốc từng nhắm mục tiêu phát triển nhanh chóng để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, cuối cùng là vượt lên dẫn đầu. Thời gian gần đây, gián điệp công nghiệp Trung Quốc tiếp tục chuyển chú ý sang các lĩnh vực khác, bao gồm trí tuệ nhân tạo, dược phẩm và công nghệ nano.

Trong bối cảnh hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc ở Mỹ đã “lan nhanh và mở rộng” đến các phòng thí nghiệm học thuật, Washington bắt đầu mạnh tay với Bắc Kinh trong ngành công nghiệp bán dẫn quan trọng vì lý do an ninh quốc gia. Theo chuyên gia Marro, mặc dù các biện pháp hiện nay sẽ làm chậm bước tiến công nghệ của Trung Quốc, nhưng chúng đồng thời đẩy nhanh nỗ lực của Bắc Kinh loại bỏ hàng hóa Mỹ và những nước khác khỏi chuỗi cung ứng công nghệ của họ. Đặc biệt, với việc Trung Quốc cũng viện đến an ninh quốc gia, cuộc tranh giành lợi thế công nghệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới có khả năng căng thẳng hơn nữa.

Chia sẻ bài viết