26/03/2023 - 08:53

Cách Trung Quốc hưởng lợi trong quan hệ với Nga 

TRÍ VĂN (Tổng hợp) 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài 3 ngày đến Nga. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới kể từ khi đảm nhiệm nhiệm kỳ chủ tịch nước lần thứ ba hôm 10-3.

Phái đoàn Nga (trái) và Trung Quốc hội đàm dưới sự chủ trì của Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Tass

Phái đoàn Nga (trái) và Trung Quốc hội đàm dưới sự chủ trì của Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Tass

Cách đây đúng 10 năm, sau khi lần đầu tiên được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập cũng đã chọn Nga làm điểm công du nước ngoài đầu tiên. Kể từ đó đến nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Nga 9 lần. Đáng chú ý là chuyến thăm mới nhất của ông Tập diễn ra chỉ hơn một năm sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine và trong bối cảnh Mát-xcơ-va bị phương Tây cô lập và áp đặt nhiều biện pháp cấm vận nghiêm ngặt. Vậy điều gì thúc đẩy ông Tập tăng cường quan hệ với Nga?

Tiết kiệm hàng tỉ USD năng lượng

Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới, được cho đã tiết kiệm được hàng tỉ USD khi mua dầu và than giá rẻ từ Nga và kiếm được lợi nhuận từ việc bán lại nguồn năng lượng dư thừa. Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, so với năm 2021, nhập khẩu dầu thô của nước này từ Nga tăng 8% vào năm 2022, đạt mức 86,25 triệu tấn (tương đương 1,7 triệu thùng/ngày), ngay cả khi tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong năm ngoái giảm 0,9% do kinh tế suy thoái. Nhờ vậy mà Nga chiếm tới 17% thị phần dầu mỏ Trung Quốc, tăng so với mức 15% hồi năm 2021. Theo tính toán của Hãng tin Reuters, với mức chiết khấu ước tính 10USD/thùng đối với cả dầu thô ESPO và Urals, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc tiết kiệm được khoảng 5,5 tỉ USD trong khoảng thời gian từ tháng 4-2022 đến tháng 1-2023. Theo hãng phân tích dầu mỏ Vortexa (Anh) và công ty cung cấp các giải pháp về thị trường hàng hóa Kpler (Mỹ), nhập khẩu dầu thô bằng đường biển của Trung Quốc từ Nga ở mức khoảng 1,4 triệu thùng/ngày trong tháng 3. Đáng chú ý, Nga đã “soán ngôi” Saudi Arabia, trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc sau khi xuất khẩu dầu của Mát-xcơ-va sang Bắc Kinh tăng 24%, lên mức 15,68 triệu tấn trong 2 tháng đầu năm 2023 với mức giá trung bình 73,62USD/thùng.

Sau khi Chủ tịch Tập và Tổng thống Vladimir Putin có cuộc gặp kéo dài 4 tiếng tại thủ đô Mát-xcơ-va hôm 21-3, Trung Quốc tuyên bố sẽ mua thêm dầu và khí đốt từ Nga trong thập niên tới và sẽ giúp phát triển các ngành công nghiệp nặng ở vùng Viễn Đông của Nga. Ông Putin cho biết kế hoạch phát triển vùng Viễn Đông sẽ trở nên rõ ràng sau khi thỏa thuận khí đốt tự nhiên giữa Nga và Trung Quốc được hoàn tất. Theo nhà lãnh đạo xứ bạch dương, kế hoạch này sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp luyện kim, máy móc và đường ống ở vùng Viễn Đông, đồng thời tạo ra một lượng lớn việc làm để thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng gia tăng nhập khẩu than từ Nga ngay cả khi Bắc Kinh cắt giảm nhập khẩu nhiên liệu nói chung do nguồn cung dồi dào trong nước. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, so với năm 2021, lượng than mà nước này nhập khẩu từ Nga hồi năm 2022 tăng 20%, lên mức 68,06 triệu tấn, trong đó lượng than luyện kim nhập khẩu tăng gấp đôi, lên mức 21 triệu tấn, bởi Trung Quốc đẩy mạnh mua than giảm giá từ Nga sau khi châu Âu tẩy chay và cấm vận chuyển loại nhiên liệu này. Được biết, Trung Quốc nhập khẩu than luyện kim của Nga với giá trung bình vào khoảng 217,33USD/tấn vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 364,66USD/tấn đối với than luyện kim cao cấp của Úc.

Trong khi đó, lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mà Trung Quốc nhập khẩu từ Nga hồi năm ngoái tăng hơn 40%, đạt mức 6,5 triệu tấn, trong khi lượng LNG Trung Quốc xuất khẩu tăng do Bắc Kinh tái xuất khẩu sang các thị trường nhập khẩu hàng đầu như Hàn Quốc, Nhật Bản và Pháp. 

Riêng nhập khẩu điện từ Nga cũng tăng. Trong giai đoạn 2017-2020, Trung Quốc nhập khẩu điện từ Nga, chủ yếu thông qua đường dây truyền tải xuyên biên giới nối phía Đông Bắc Trung Quốc và vùng Viễn Đông của Nga, ổn định ở mức khoảng 3 tỉ kWh. Đến năm 2021, nhập khẩu điện tăng lên mức 3,8 tỉ kWh do Trung Quốc thiếu điện trên diện rộng và tiếp tục tăng 23% vào năm 2022, lên 4,7 tỉ kWh.

Nhiều lĩnh vực khác cũng hưởng lợi

Giới bình luận Trung Quốc nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa 2 nước sẽ không chỉ giới hạn trong thương mại năng lượng mà sẽ mở rộng sang các lĩnh vực như tài chính, nông nghiệp, năng lượng hạt nhân, kinh tế kỹ thuật số, hàng không vũ trụ, thăm dò Bắc Cực cũng như du lịch và giáo dục. Trong một bài viết được truyền thông Nga đăng tải gần đây, Chủ tịch Tập cho biết Trung Quốc và Nga sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường” và Liên minh Kinh tế Á - Âu. 

Giới chuyên gia hy vọng 2 nước sẽ tiến tới sự hợp tác kinh tế lớn hơn sau khi thương mại song phương tăng 29,3% vào năm ngoái, lên mức 190 tỉ USD, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh về cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần hơn. Lượng nhập khẩu từ Nga của Trung Quốc tăng 43,4% trong khi lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng 12,8%. Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, hơn 40% mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga bao gồm các loại máy móc và thiết bị điện. Hai bên cũng đang cố gắng sử dụng đồng nội tệ nhiều hơn trong giao dịch thương mại song phương để có thể “né” áp lực do phương Tây áp đặt.

Trong khi đó, tính đến năm 2020, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Nga trị giá 12tỉ USD, chỉ bằng 9,9% số tiền mà các nước châu Âu đổ vào Nga. Tuy nhiên, theo một báo cáo hồi cuối năm ngoái của Ngân hàng Phát triển Á - Âu, các nhà đầu tư Trung Quốc đã trở nên tích cực hơn ở Nga khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Nga tăng 27,4% trong giai đoạn 2016-2022. Đáng chú ý, chỉ trong nửa đầu năm 2022, FDI tích lũy của Trung Quốc vào Nga tăng tới 75%.

Đáng chú ý, Trung Quốc đã có dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng đầu tiên ở Nga từ năm 2005 khi tập đoàn Sinopec tham gia liên  doanh khai thác mỏ dầu Sakhalin-3 với tỷ lệ góp vốn 25,1%. Sinopec sau đó sở hữu 49% mỏ dầu Udmurneft. Đây là nguồn sản xuất dầu lớn nhất của Sinopec nằm ngoài Trung Quốc. Năm 2014, Petrochina mua 20% cổ phần của dự án LNG Yamal trị giá 27 tỉ USD của Nga và tham gia xây dựng đường ống khí đốt Power of Siberia trong thỏa thuận trị giá 400 tỉ USD với Gazprom. Năm 2019, tập đoàn CNOOC và PetroChina mua 20% cổ phần trong dự án khí đốt 25,5 tỉ USD Arctic-2 của Nga.

Hành trình quan hệ Nga - Trung

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga và Trung Quốc năm 1992 tuyên bố theo đuổi “quan hệ đối tác mang tính xây dựng”. Năm 1996, 2 nước nâng quan hệ lên “đối tác chiến lược” và vào năm 2001, Nga - Trung ký hiệp ước về “hữu nghị và hợp tác”.

Trong chuyến thăm Nga vào tháng 6-2019 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo 2 nước thống nhất nâng cấp quan hệ Nga - Trung lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho sự hợp tác trong kỷ nguyên mới”. Tổng thống Vladimir Putin thời điểm đó tuyên bố mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc “đã lên mức cao chưa từng thấy”, hay “đang ở mức cao nhất trong lịch sử”. Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 2-2022 của Tổng thống Putin, lãnh đạo 2 nước tuyên bố mối quan hệ Nga - Trung là “không có giới hạn”.

 Sau cuộc hội đàm hôm 21-3, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập ra tuyên bố chung về việc “làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện cho sự hợp tác trong kỷ nguyên mới”. Phát biểu trước báo giới sau hội đàm, ông chủ Điện Kremlin một lần nữa nhấn mạnh: “Quan hệ Nga - Trung đang ở điểm cao nhất trong lịch sử”. Về phần mình, Chủ tịch Tập nhấn mạnh: “Thúc đẩy quan hệ với Nga là một lựa chọn chiến lược mà Trung Quốc đã đưa ra trên cơ sở lợi ích cơ bản của chính mình và các xu hướng phổ biến của thế giới”.

Chia sẻ bài viết