16/11/2019 - 09:17

Các tay súng IS hồi hương, châu Âu thấp thỏm 

Theo Washington Post, các quốc gia châu Âu giờ đây không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận cho hồi hương những công dân nước mình bị giam giữ tại Syria sau khi gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuần trước, một tòa án phúc thẩm ở Berlin ra phán quyết yêu cầu Chính phủ Đức cho hồi hương người phụ nữ biệt danh Bint Dahlia cùng 3 đứa con đang bị giam tại trại Al-Hol ở Syria. Luật sư Dirk Schoenian hy vọng phán quyết trên sẽ tạo tiền lệ giúp 20 bà mẹ khác người Đức và 40 đứa trẻ mà ông đang đại diện. Trước đó, Đức khẳng định công dân nước này từng đứng trong hàng ngũ IS ở Syria có quyền trở về quê hương. Nhưng Ngoại trưởng Heiko Maas nói rõ việc hồi hương chỉ thực hiện khi chính quyền có thể đảm bảo những người này được đưa ra xét xử ngay lập tức và phải bị giam giữ. Theo luật sư Schoenian, Berlin thực chất đang “câu giờ” nhưng họ lại sắp hết thời gian.

Trong khi đó tại nước láng giềng, Chính phủ Hà Lan bị yêu cầu tiến hành thủ tục nhận lại 56 trẻ em từ trại giam ở Syria. Cha mẹ những đứa trẻ này cũng có thể trở về nếu xét thấy cần thiết. Luật sư Andre Seebregts đại diện hầu hết phụ nữ, trẻ em trong vụ kiện ở Hà Lan cho biết, nhiều chính phủ châu Âu kiên quyết phản đối tiếp nhận công dân từng tham chiến cho IS nhưng họ đang “đấu tranh một cách uổng công”.

Nghiên cứu gần đây của Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia trụ sở tại Bỉ ước tính, ít nhất 1.200 tù binh IS bị giam giữ ở Syria là người gốc châu Âu và phương Tây. Công dân quốc tịch Đức và Pháp chiếm tỷ lệ lớn nhất. Sau khi IS bị đánh bại, vấn đề hồi hương các tay súng từng tham chiến cho tổ chức này đặt ra bài toán nan giải khiến nhiều quốc gia châu Âu đau đầu. Trong khi những nước như Đức, Pháp, Áo, Thụy Điển lấy quy trình pháp lý làm cơ sở trì hoãn, Anh mới đây đã mạnh tay tước quốc tịch đối với công dân tham gia các nhóm thánh chiến ở nước ngoài nhằm ngăn những phần tử này quay về nước.

Theo nhà nghiên cứu chống khủng bố Sofia Koller của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Đức, hầu hết các nước châu Âu đều từ chối vì lo sợ vấn đề an ninh cũng như vấp phải phản ứng từ cộng đồng. Nhưng với hàng loạt vụ kiện mang tính bước ngoặt như đã nêu, phương Tây hầu như không còn nhiều sự lựa chọn. Chưa kể áp lực ngày càng đè nặng sau chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, dấy lên lo ngại phiến quân IS bị giam tại các trại do người Kurd kiểm soát lợi dụng tình hình để trốn thoát. Đặc biệt, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tháng rồi còn nhắc lại lời đe dọa sẽ mở cửa cho khoảng 3,6 triệu người tị nạn vào châu Âu nếu Liên minh châu Âu (EU) quy kết hoạt động quân sự của Ankara là “xâm lược” và không cung cấp thêm các khoản hỗ trợ.

Con của các phiến quân IS tại trại giam Al-Hol ở Syria. Ảnh: New York Times

Theo Washington Post, Ankara đang giam khoảng 2.280 thành viên IS là công dân của 30 quốc gia. Đầu tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố bắt đầu trục xuất các tay súng nước ngoài là công dân Đức, Pháp, Mỹ, Ireland và Đan Mạch dựa theo các thỏa thuận quốc tế. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhiều lần kêu gọi châu Âu nhận lại công dân của mình. Nếu không, chủ nhân Nhà Trắng cảnh báo sẽ thả 2.500 tay súng IS đang bị Mỹ cùng đồng minh giam tại Syria và Iraq, dấy lên lo sợ về viễn cảnh phiến quân IS tràn ngập châu Âu sau khi lực lượng Mỹ rút khỏi quốc gia Trung Đông.

Tại cuộc họp với các quan chức cấp cao của 30 thành viên trong liên minh quốc tế chống IS, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lần nữa yêu cầu những quốc gia liên quan nhận lại công dân của mình cũng như tiến hành truy tố với cáo buộc khủng bố để ngăn các nhóm thánh chiến hồi sinh. Cuộc họp hôm 14-11 diễn ra trong bối cảnh một số nước bắt đầu quan ngại cam kết của Mỹ sau khi Lầu Năm Góc rút quân khỏi Syria theo lệnh ông Trump. Ông Pompeo đã bác bỏ những lo ngại đó khi nhắc lại vụ Mỹ vừa tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi tại Syria, kèm theo lời khẳng định Washington sẽ tiếp tục dẫn dắt liên minh này.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết