30/03/2025 - 07:52

Các cường quốc tranh giành khoáng sản châu Phi 

Trong thời điểm cạnh tranh kinh tế và căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng, châu Phi đã trở thành một khu vực đầu tư chiến lược, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác các khoáng sản như coban, lithium, niken và các nguyên tố đất hiếm. Các loại khoáng sản này rất quan trọng đối với các công nghệ hiện đại, từ xe điện đến cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, và đóng vai trò chủ chốt trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Mỏ Tenke-Fungurume tại CHDC Congo. Ảnh: Reuters

Ngân hàng Thế giới dự đoán đến năm 2050, nhu cầu về các công nghệ năng lượng sạch sẽ làm tăng công suất sản xuất một số khoáng sản quan trọng như than chì, lithium và coban lên tới 500% so với năm 2018. Chính nhu cầu này đang mang đến cho châu Phi, nơi đang nắm giữ khoảng 30% trữ lượng khoáng sản của thế giới, cơ hội to lớn để "vươn mình", có thể trở thành trung tâm toàn cầu về chế biến khoáng sản quan trọng, đồng thời cũng thúc đẩy cuộc đua khai thác khoáng sản của các cường quốc tại lục địa đen.

Mỹ, Trung tranh giành ảnh hưởng

Trong bối cảnh nhu cầu về các loại khoáng sản quan trọng ngày càng tăng trên toàn cầu, Mỹ và Trung Quốc đều đã chuyển hướng sang châu Phi, đặc biệt là ở Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của họ. CHDC Congo là một trong những quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên nhất thế giới. Hiện tại Trung Quốc chiếm ưu thế trong thị phần khai thác khoáng sản ở CHDC Congo, lớn hơn nhiều so với Mỹ. Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu gần 90% coban từ CHDC Congo. Năm 2023, Bắc Kinh đầu tư khoảng 21,7 tỉ USD nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế tại châu Phi trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai, Con đường (BRI)", khoảng 8-10 tỉ USD trong số này tập trung vào các dự án khai thác khoáng sản quan trọng, gồm các dự án liên quan đến khai thác đồng trị giá khoảng 4 tỉ USD tại CHDC Congo và Botswana; các dự án lớn khác liên quan đến khai thác kim loại với tổng giá trị hơn 1 tỉ USD ở Mali và Zimbabwe.

Tương tự Trung Quốc, Mỹ cũng cần các khoáng sản quan trọng để hỗ trợ chương trình nghị sự chiến lược của nước này, gồm các mục tiêu về kinh tế, an ninh và năng lượng sạch. Washington dùng các khoáng sản quan trọng trong một loạt lĩnh vực, từ chế tạo xe điện cho tới phát triển máy bay chiến đấu. Ủy ban Chọn lọc về Trung Quốc trong một báo cáo hồi năm 2024 cho biết Bắc Kinh cung cấp hơn 50% nhu cầu của Washington đối với 24 loại khoáng sản quan trọng, gồm hơn 90% nhu cầu về các nguyên tố đất hiếm. Giới chức xứ cờ hoa lo ngại rằng sự phụ thuộc này "gây ra mối đe dọa khủng khiếp đối với an ninh quốc gia Mỹ".

Trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, Washington ngày càng lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp quốc phòng. Chính vì điều này mà Mỹ đã chuyển sang mở rộng hợp tác với châu Phi. Tháng 8-2022, Nhà Trắng đã công bố chiến lược đối với vùng châu Phi cận Sahara, cam kết "hỗ trợ các nước châu Phi sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách minh bạch". Sau đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra các bước nhằm thu hút các nước châu Phi về mặt chính trị và kinh tế để tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác giữa hai bên về các khoáng sản quan trọng.

Theo dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, nước này hồi năm 2023 đã đầu tư 7,4 tỉ USD vào châu Phi, trong đó mức đầu tư cho khoáng sản chỉ đạt 300 triệu USD. Tuy nhiên, Washington gần đây đã bắt đầu "để mắt" nhiều hơn tới lĩnh vực khai khoáng như một phần trong cuộc cạnh tranh với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp tập trung vào khai thác và chế biến khoáng sản, cũng như công khai bày tỏ sự quan tâm đối với ngành khai khoáng tại châu Phi.

Ðáng chú ý, CHDC Congo gần đây còn đưa ra một đề nghị cho phép Mỹ tiếp cận độc quyền các nguồn khoáng sản quan trọng, cũng như những dự án cơ sở hạ tầng nhằm đổi lấy hỗ trợ an ninh trong bối cảnh quốc gia châu Phi này đang đối mặt với một cuộc nổi dậy do Rwanda hậu thuẫn. Trong lá thư gửi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, CHDC Congo đề nghị tổ chức cuộc gặp khẩn giữa Tổng thống Felix Tshisekedi và Tổng thống Trump để bàn về thỏa thuận trên. Kinshasa cho biết quan hệ đối tác này sẽ "mang lại cơ hội đặc biệt để Mỹ xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản đáng tin cậy và độc quyền". Washington sau đó đáp lại rằng họ "sẵn sàng thảo luận về quan hệ đối tác trong lĩnh vực này".

EU, Nhật Bản không muốn bị bỏ lại phía sau

Theo giới phân tích, cuộc cạnh tranh nói trên có thể mang lại cho châu Phi nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn những rủi ro chính trị. Do đó, các quốc gia châu Phi cần đặc biệt thận trọng trong việc tính toán rủi ro, lợi ích và cơ hội, cũng như những biện pháp trả đũa trong trường hợp một trong hai cường quốc có động thái trừng phạt các nước được cho là hợp tác với cường quốc còn lại. "Châu Phi có thể hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung nhưng điều này đòi hỏi các quốc gia phải thật sự chú tâm và cảnh giác" - Yun Sun, nhà nghiên cứu cấp cao về quan hệ Mỹ - Trung tại Viện Brookings, cảnh báo.

Nhưng không chỉ có Mỹ và Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang nhắm tới nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng xanh của châu Phi. Theo đó, EU đang có kế hoạch đầu tư vào chế biến các nguyên liệu thô quan trọng tại Nam Phi cũng như xây dựng tuyến đường sắt nối Nam Phi và CHDC Congo, nơi sở hữu nguồn khoáng sản quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng và kỹ thuật số. Cụ thể, trong chuyến công du Nam Phi mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EC đang khởi động các cuộc đàm phán về Quan hệ đối tác thương mại và đầu tư sạch. "Nam Phi có mọi thứ để trở thành một quốc gia dẫn đầu toàn cầu. Bạn có nguồn năng lượng sạch dồi dào từ gió đến mặt trời. Bạn có nguồn nguyên liệu thô quan trọng cho quá trình điện phân, gồm 91% trữ lượng kim loại nhóm bạch kim của thế giới" - bà von der Leyen cho biết trong cuộc gặp với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Theo tờ Euro News, bà von der Leyen cũng đã công bố gói đầu tư trị giá 4,7 tỉ euro vào Nam Phi thông qua chương trình Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway) - đối trọng với sáng kiến BRI của Trung Quốc.

EU xác định châu Phi là đối tác ưu tiên hàng đầu trong khuôn khổ chiến lược "Cửa ngõ toàn cầu" trị giá 300 tỉ euro công bố đầu tháng 12-2021. Trong chuyến thăm Senegal năm 2022, bà von der Leyen  thông báo dành hơn 150 tỉ euro cho chương trình kết nối Âu - Phi giai đoạn  2021-2027.

Cũng trong nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung khoáng sản quan trọng từ Trung Quốc, Nhật Bản năm 2023 đã ký thỏa thuận thăm dò và khai thác khoáng sản với 5 nước châu Phi gồm Namibia, CHDC Congo, Zambia, Angola và Madagascar.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết