26/11/2009 - 08:36

Các căn cứ quân sự Mỹ tại vùng Vịnh

Máy bay Mỹ tại Căn cứ Không quân Al-Udeid ở Qatar. Ảnh: USAF 

Theo kế hoạch của cựu Tổng thống George Bush và cam kết của ông chủ Nhà Trắng Barack Obama, Lầu Năm Góc sẽ cắt giảm quân số tại Iraq từ hơn 100.000 người hiện nay xuống còn 50.000 vào tháng 8-2010, và hầu hết phần còn lại sẽ về nước trước cuối năm 2011. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ chấm dứt sự hiện diện quân sự tại vùng Vịnh. Ngoài các căn cứ quân sự ở Iraq, Washington thời gian qua đã kiên cố hóa và mở rộng nhiều căn cứ tại các nước xung quanh, Thời báo châu Á ngày 24-11 cho biết.

* “Lầu Năm Góc vùng Vịnh” ở Qatar

Năm 1996, cho dù chưa có lực lượng không quân riêng, Qatar vẫn xây dựng Căn cứ Không quân Al Udeid trị giá hơn 1 tỉ USD nhằm chuẩn bị chào đón quân đội Mỹ đến đồn trú. Tháng 11-2001, máy bay Mỹ bắt đầu cất cánh và một năm sau, Mỹ triển khai thêm xe tăng, xe bọc thép, trang thiết bị viễn thông... và hàng ngàn binh sĩ đến Al Udeid. Để nâng cao khả năng tác chiến, Lầu Năm Góc đã chi 209 triệu USD xây dựng và mở rộng cơ sở hạ tầng tại đây. Năm 2005, chính quyền sở tại cũng bỏ ra 400 triệu USD để xây dựng một trung tâm tác chiến trên không hiện đại và dĩ nhiên lính Mỹ có thể sử dụng. Vì thế, người ta gọi Qatar nói chung và Căn cứ Không quân Al Udeid nói riêng là “Lầu Năm Góc vùng Vịnh”.

* Các căn cứ từ Bahrain đến Koweit

Vương quốc tí hon 750.000 dân Bahrain có các căn cứ quân sự chứa tới 3.000 lính Mỹ và là nơi tàu Hải quân Mỹ thường xuyên lui tới. Từ năm 2001 đến nay, Hải quân Mỹ đã chi 203 triệu USD để xây dựng nhiều cơ sở quân sự ở đây. Trong khoảng thời gian này tại Oman, Lục quân và Không lực Mỹ cũng chi khoảng 26 triệu USD để xây dựng căn cứ tác chiến riêng. Tại Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất, chỉ tính riêng Lục quân Mỹ đã trang trải 46 triệu USD cho xây dựng hạ tầng. Riêng tại Koweit, Lầu Năm Góc có các căn cứ quân sự lớn như Trại Arifjan có sức chứa 15.000 binh sĩ, hay Trại Buehring. Nơi đây, trong giai đoạn 2003-2009, Lục quân Mỹ tiêu tốn 502 triệu USD xây dựng cơ sở hạ tầng, còn Không lực chi 55 triệu USD và Hải quân 7 triệu USD. Cũng trong thời gian đó, Lầu Năm Góc chi gần 20 tỉ USD mua dầu mỏ của Koweit và một số trang thiết bị hậu cần phục vụ tại chỗ.

* Căn cứ Arabie Séoudite và trung tâm huấn luyện Jordanie

Theo báo cáo của Cơ quan nghiên cứu trực thuộc Quốc hội Mỹ, từ năm 1950 đến 2006, Arabie Séoudite đã mua và nhận số trang thiết bị quân sự và dịch vụ có liên quan từ Mỹ trị giá hơn 62,7 tỉ USD, đồng thời trả chi phí xây dựng các cở sở hạ tầng quân sự cho nước ngoài hơn 17,1 tỉ USD. Từ chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất hồi đầu thập niên 1990 đến cuộc chiến xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003, Arabie Séoudite đã tiếp đón hàng ngàn binh sĩ Mỹ. Cuối năm 2003, trước áp lực của phe Hồi giáo cực đoan, Riyadh yêu cầu Washington rút hết quân đội ra khỏi nước này. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc hiện vẫn duy trì 800 quân thường trực ở đây. Từ đó đến nay, Mỹ chi tổng cộng 559 triệu USD xây dựng các cơ sở quân sự tại Arabie Séoudite.

Tại Jordanie, từ năm 2001 đến nay, Lầu Năm Góc đã giúp quân đội nước này xây dựng các trung tâm quân sự trị giá 86 triệu USD, trong đó có một trung tâm huấn luyện chiến đấu di động và một trung tâm huấn luyện tác chiến đặc biệt.

KIẾN HÒA (Theo Atimes)

Chia sẻ bài viết