10/12/2009 - 10:02

Bữa tiệc nào ngon hơn?

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải) được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tiếp đón tại Điện Kremlin ngày 7-12. Ảnh: AP

Sau chuyến thăm Washington 4 ngày hồi cuối tháng 11, Thủ tướng Ấn độ Manmohan Singh cũng đã kết thúc chuyến công du Mát-xcơ-va 3 ngày (từ 6-8/12). Tạp chí Time mô tả ông Singh được thưởng thức “bữa cơm chiều” ở Nhà Trắng, rồi đến dự “tiệc tráng miệng” tại Điện Kremlin. Vậy bữa tiệc nào làm vị thủ tướng 77 tuổi này ngon miệng hơn?

Tại Mỹ, Thủ tướng Singh là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên được Tổng thống Barack Obama mời dự bữa cơm chiều tại Nhà Trắng. Dịp này, ông Obama tuyên bố Mỹ muốn cùng Ấn Độ xây dựng “đối tác chiến lược định hướng trật tự thế giới trong thế kỷ 21”. Các nhà phân tích cho rằng phát biểu của ông chủ Nhà Trắng chỉ nhằm xoa dịu mối quan ngại của New Delhi rằng Mỹ không xem Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng với Ấn Độ tại châu Á, là đối tác chiến lược quan trọng duy nhất của Mỹ trong thế kỷ này. Trên thực tế, mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ vẫn còn một khoảng cách khá lớn để trở thành đối tác chiến lược như ông Obama nói. Bằng chứng là sau chuyến đi Washington vừa rồi của ông Singh, Nhà Trắng vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng Ấn Độ phải trả lại tất cả những trang thiết bị do Mỹ cung cấp sau khi hai bên hoàn tất chương trình hợp tác hạt nhân. Quan điểm này đã được Quốc hội Mỹ đặt ra nhằm cái mà họ cho là “để ngăn ngừa New Delhi phát triển thêm vũ khí hạt nhân”, trong khi Quốc hội Ấn Độ coi đó là việc làm xâm phạm quyền tự quyết của quốc gia mình.

Còn tại Mát-xcơ-va, ông Singh đã ký các thỏa thuận hạt nhân với Tổng thống Dmitry Medvedev mà không có các quy định ràng buộc nào. Theo đó, Nga cam kết giúp Ấn Độ xây dựng thêm nhiều lò phản ứng hạt nhân, chuyển giao đầy đủ (bao gồm nghiên cứu và phát triển) công nghệ năng lượng hạt nhân và đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân không bị gián đoạn. Người đứng đầu cơ quan hạt nhân quốc gia của Nga, ông Sergei Kiriyenko, cho biết các thỏa thuận hạt nhân này có thể đạt giá trị hàng chục tỉ USD, trong đó có dự án xây dựng 20 lò phản ứng hạt nhân. Ngoài hạt nhân, Nga cũng đã ký với Ấn Độ các thỏa thuận hợp tác quốc phòng kéo dài 10 năm, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2011. Các thỏa thuận này bao gồm cung cấp trang thiết bị quân sự, nâng cấp và hiện đại hóa trang thiết bị quốc phòng, hợp tác phát triển các hệ thống vũ khí mới và tiên tiến. Các thỏa thuận này có thể giúp các công ty quốc phòng Nga tham gia chương trình hiện đại hóa quân sự có tổng trị giá lên đến 100 tỉ USD trong vòng một thập niên tới tại Ấn Độ. Bên cạnh đó, hai bên còn ký thỏa thuận tăng cường giao lưu văn hóa và hỗ trợ tín dụng nhằm nâng kim ngạch thương mại song phương lên gấp 3 lần trong vòng 3 năm tới so với 7 tỉ USD năm 2008. Trên lĩnh vực chính trị và an ninh, Nga và Ấn Độ có cùng quan điểm xây dựng một thế giới đa cực, cân bằng và chống chủ nghĩa khủng bố, cực đoan. Trên tinh thần đó, Nga ủng hộ Ấn Độ có ghế Ủy viên thường trực nếu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được mở rộng và trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Rõ ràng, chuyến thăm Nga sau Mỹ của Thủ tướng Singh đã đạt được một kết quả hết sức có ý nghĩa. Có lẽ vì vậy mà Thủ tướng Singh tuyên bố quan hệ Nga-Ấn là “quan trọng nhất” và một số thỏa thuận ông vừa mang về từ Mát-xcơ-va có giá trị cao hơn nhiều so với 123 thỏa thuận hiện có giữa Mỹ và Ấn Độ. Xem ra “bữa tiệc tráng miệng” của Thủ tướng Singh tại Điện Kremlin còn “ngon” hơn “buổi cơm chiều” tại Nhà Trắng.

KIẾN HÒA
(Theo Magazinetime, Atimes và Xinhua)

Chia sẻ bài viết