07/04/2010 - 08:49

Bình ổn giá thuốc chữa bệnh theo hướng công khai, minh bạch

* Tăng cường kiểm tra để xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về giá

Ngày 6-4, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì Hội thảo “Thực trạng quản lý giá thuốc tại Việt Nam” với các chuyên gia Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược, bệnh viện công lập, ngoài công lập ở các địa phương và các nhà nghiên cứu... để tìm các giải pháp bình ổn giá thuốc phục vụ người bệnh theo hướng công khai, minh bạch.

Theo Tiến sĩ Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý Dược Việt Nam: thuốc là một mặt hàng đặc biệt phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân nhưng cũng phải chịu sự chi phối của cơ chế thị trường. Việc bình ổn giá thuốc không thể sử dụng biện pháp hành chính buộc phải “đứng im” mà phải chịu sự tác động của cơ chế thị trường nên không tránh khỏi việc tăng hay giảm giá. Về cơ bản các loại thuốc thiết yếu phục vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế nhà nước (chiếm 76% thị trường thuốc) luôn được cung cấp ổn định. Theo Tiến sĩ Cường, một số loại thuốc, giá cả nằm ngoài tầm kiểm soát, đó là thuốc độc quyền, thuốc biệt dược có đặc tính nổi trội, thuốc ủy thác độc quyền duy nhất trên thị trường nên chưa thể kiểm soát mà chủ yếu do nhà cung cấp đặt giá, dẫn đến tình trạng giá thuốc cao.

Được biết, hiện Việt Nam nhập khẩu 90% nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc và trên 50% thuốc sử dụng. Nhiều văn bản chính sách còn thể hiện sự bất cập trong khi số lượng thuốc lưu thông trên thị trường rất lớn, trên 22.000 mặt hàng với hơn 1.500 hoạt chất với nhiều chủng loại, hàm lượng,... nên rất khó đưa ra một khung giá chung để quản lý và kiểm soát.

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng: Theo quy định, việc bác sĩ nhận hoa hồng từ các nhà thuốc hoặc quảng cáo cho một loại thuốc hay một công ty nào đó... là vi phạm quy định, ngành y tế cần có biện pháp xử lý nghiêm. Qua kiểm tra, kiểm soát, các cơ quan chức năng đã phát hiện một vài loại thuốc trong bệnh viện cao gấp 300-400 lần so với giá nhập khẩu; quy chế đầu thầu thuốc theo Thông tư liên tịch số 10 chưa cụ thể, rõ ràng dẫn đến tình trạng một loại thuốc có cùng tên, hàm lượng và cơ sở sản xuất nhưng giá chênh nhau từ vài chục đến vài trăm phần trăm so với giá nhập khẩu...

Đại diện các bệnh viện, Cục Quản lý Dược Việt Nam, Bảo hiểm Y tế... cần sớm sửa đổi Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BYT-BTC ngày 10-8-2007 hướng dẫn đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế công lập mới khắc phục được những khó khăn, bất cập trong việc bình ổn giá thuốc hiện nay...

Kết luận tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nêu rõ: Cuộc hội thảo này nhằm lắng nghe, chia sẻ khó khăn và kiến nghị sửa đổi một số quy chế đấu thầu thuốc và quản lý giá thuốc còn nhiều bất cập hiện nay. Tiến sĩ Tiên cũng cho rằng, vấn đề tăng giá thuốc thời gian qua, chủ yếu là một số thuốc đặc trị và các biệt dược đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội. Bên cạnh một số thuốc trong danh mục thuốc bảo hiểm do các hình thức quy chế đấu thầu nhỏ lẻ của từng bệnh viện, địa phương đã dẫn đến cùng một số loại thuốc có giá khác nhau. Trong khi chúng ta chưa có quy định giữa giá nhập khẩu với giá bán lẻ, các chuyên gia kiến nghị cần thay đổi phương pháp đầu thầu theo hình thức tập trung để góp phần bình ổn thị trường theo hướng công khai, minh bạch, giúp người bệnh được sử dụng thuốc với giá hợp lý và hiệu quả nhất.

m Tại lễ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngày truyền thống ngành Giá và kỷ niệm 45 năm thành lập diễn ra ngày 6-4 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Trong công tác điều hành giá, Cục Quản lý giá phải chú ý áp dụng đồng bộ các chính sách liên quan; tăng cường kiểm tra, thanh tra kiểm soát để xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về giá.

Cục trưởng Cục Quản lý Giá Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, trong thời gian tới, Cục Quản lý Giá sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên để xử lý kịp thời những vi phạm trong sản xuất, kinh doanh có liên quan tới chính sách giá, chống các hiện tượng quy định giá không hợp lý, các hiện tượng lợi dụng sự biến động của thị trường để trục lợi, các hiện tượng đầu cơ, găm hàng, buôn lậu, gian lận thương mại, tăng giá bất hợp lý làm hại đến lợi ích của người tiêu dùng. Tiếp tục thu hẹp danh mục mặt hàng Nhà nước trực tiếp quy định giá, chỉ quyết định đối với một số ít hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước. Tôn trọng quyền tự định giá, thỏa thuận giá, cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật, sử dụng các biện pháp cần thiết để bình ổn giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

NHẬT MINH-THÙY DƯƠNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết