04/08/2017 - 13:43

Biến đổi khí hậu có thể khiến Nam Á thành nơi không thể sống

Biến đổi khí hậu có thể khiến phần lớn khu vực Nam Á - nơi là nhà của 1/5 dân số thế giới - trở nên quá nóng để con người có thể sinh tồn vào cuối thế kỷ này, các nhà khoa học Mỹ cảnh báo trên tạp chí Science Advances hôm 2-8.

Theo đó, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất sẽ nằm ở miền Bắc Ấn Độ, miền Nam Pakistan và Bangladesh - nơi sinh sống của 1,5 tỉ dân.

Theo Guardian, bản phân tích mới của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với sự kết hợp có thể gây chết người của hơi nóng và độ ẩm, đo bằng “nhiệt độ bầu ướt” (WBT, tính bằng đơn vị C).

Một khi mức độ nóng-ẩm đạt tới mức 35C, cơ thể con người không thể tự làm mát bằng cách đổ mồ hôi và ngay cả những người ngồi trong bóng râm cũng sẽ chết trong vòng 6 giờ.

Các nhà nghiên cứu nhận định nếu lượng khí thải carbon vẫn không bị hạn chế, thì 4% dân số Nam Á sẽ phải chịu những đợt nắng nóng không thể sinh tồn ở mức 35C WBT và kéo dài 6 giờ, với tần suất ít nhất 1 lần trong giai đoạn 2071-2100.

Còn các vùng rộng lớn của khu vực Nam Á - bao quát 75% dân số khu vực này - sẽ chịu đựng ít nhất một đợt nắng nóng ở mức 31C WBT (trên cả mức “cực kỳ nguy hiểm” của Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ).

Hiện tại, chỉ khoảng 2% dân số Ấn Độ thỉnh thoảng phải tiếp xúc tình trạng kết hợp khắc nghiệt của hơi nóng và độ ẩm.

Nhưng đến năm 2100 con số này sẽ tăng lên tới 70% nếu không tiến hành các biện pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Năm 2015, Ấn Độ và Pakistan đã từng trải qua đợt sóng nhiệt nguy hiểm thứ 5 trong lịch sử hiện đại, cướp đi sinh mạng của khoảng 3.500 người.

HẢI NGUYỆT (Theo Reuters, Guardian)

Chia sẻ bài viết