14/04/2021 - 06:52

Bhutan tiêm vaccine “thần tốc” 

Tuy khởi động muộn hơn một số quốc gia khác, Vương quốc Bhutan lại đang vượt qua Israel, Anh và cả Mỹ để hoàn tất chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 khi có tới 93% người trưởng thành được tiêm liều đầu tiên chỉ trong 16 ngày.

Một nhà sư được tiêm vaccine COVID-19 ở Bhutan. Ảnh: AFP

Một nhà sư được tiêm vaccine COVID-19 ở Bhutan. Ảnh: AFP

Bhutan đã nhận 550.000 liều vaccine AstraZeneca từ Ấn Độ trong hai đợt kể từ tháng 1. Nhưng đến 27-3, quốc gia nhỏ bé nằm trên dãy Himalaya này mới bắt đầu tiêm ngừa dựa theo “ngày lành” trong chiêm tinh học Phật giáo.

Trong một thông báo, Tiến sĩ Pandup Tshering thuộc Bộ Y tế khẳng định Bhutan có đủ vaccine để tiêm cho toàn bộ 800.000 dân. Dự kiến người dân được tiêm liều thứ hai sau 8 đến 12 tuần và những ai chưa kịp tiêm đợt đầu sẽ được xếp vào lần tiếp theo, quan chức này nói thêm.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, Bhutan đến nay ghi nhận 921 trường hợp nhiễm COVID-19 và một ca tử vong. Theo Bộ trưởng Y tế Dasho Dechen Wangmo, chủ động tiêm phòng để bảo vệ bản thân và cộng đồng thể hiện ý thức của mỗi người đối với trách nhiệm bảo vệ tổ quốc và gia đình. Trong khi đó, hãng thông tấn Kuensel xác định nỗ lực này góp phần giải quyết hàng loạt vấn đề khác liên quan kinh tế, tình trạng thất nghiệp của đất nước.

Theo giới chuyên môn, thành công kể trên đã đưa Bhutan lên vị trí thứ hai trên bản đồ tiêm chủng toàn cầu với 64% dân số được tiêm chủng, chỉ xếp sau quốc đảo Seychelles (66%). Ngoài lý do dân số ít, các chuyên gia cho rằng chương trình tiêm chủng của Bhutan đạt hiệu quả cao là nhờ làm tốt công tác lưu trữ bảo quản và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe cộng đồng toàn diện. Bên cạnh đó là nỗ lực của 3.300 nhân viên y tế và sự hỗ trợ hết mình từ 4.400 tình nguyện viên.

Về mặt chính trị, quốc gia láng giềng Ấn Độ cũng đóng vai trò không nhỏ giúp Bhutan nhanh chóng hoàn thành chương trình tiêm chủng. Ngoài vaccine miễn phí, quốc gia nhỏ bé này đã nhận đủ các loại dụng cụ xét nghiệm, thiết bị bảo hộ cá nhân, khẩu trang N95 và các loại thuốc thiết yếu như paracetamol. Theo chuyên gia về Nam Á Michael Kugelman tại Trung tâm chính sách Woodrow Wilson (Mỹ), cử chỉ thiện chí của New Delhi một mặt là muốn ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan. Mặt khác, ông Kugelman nói rằng Thimphu đồng thời là mục tiêu chính trong chính sách “ngoại giao vaccine” mà chính quyền Thủ tướng Narendra Modi muốn áp dụng nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Anh hoàn thành mục tiêu quan trọng trong chiến dịch tiêm phòng             

Trong khi đó, Anh ngày 12-4 xác nhận đạt được mục tiêu quan trọng trong chiến dịch tiêm phòng COVID-19 quốc gia khi toàn bộ người dân trên 50 tuổi tại nước này đã được tiêm mũi đầu tiên trước giữa tháng 4.

Tin vui này cũng được công bố đúng ngày xứ England bắt đầu nới lỏng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ không thiết yếu như cắt tóc và bán đồ uống có cồn. Trong thông báo mới nhất, Thủ tướng Boris Johnson xác nhận tất cả người dân trên 50 tuổi, nhóm các nhân viên y tế và xã hội có nguy cơ lây nhiễm cao đều đã được tiêm mũi đầu tiên trước hạn chót dự kiến là ngày 15-4, đánh dấu thêm một cột mốc cực kỳ quan trọng khác trong lộ trình dần thoát khỏi các biện pháp phong tỏa. Ông Johnson khẳng định điều này đồng nghĩa rằng hơn 32 triệu người Anh đã được tiêm vaccine bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19. Mục tiêu tiếp theo là đảm bảo tiêm mũi 2 đúng thời hạn quy định và tiêm mũi đầu cho tất cả người trưởng thành trước tháng 8 tới.

MAI QUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết