01/09/2013 - 21:29

Bệnh vĩ cuồng!

Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc mới đây có bài viết ca tụng Chinglish, hiểu nôm na là “tiếng Anh kiểu Trung Quốc”. Với nhan đề rất “kêu” là “Chinglish lan ra khắp thế giới”, bài viết cho rằng loại ngôn ngữ này đã trở thành một biểu tượng của niềm tự hào quốc gia, bởi ngày càng nhiều người ngoại quốc nói tiếng Anh sử dụng các thành ngữ tiếng Trung. Giáo sư  Meng Dehong ở Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh lý giải hiện tượng trên với vẻ tự hào về sự trỗi dậy trở thành siêu cường của Trung Quốc: “Khi một xã hội trở nên tiến bộ và văn minh hơn thì ngôn ngữ của nó sẽ hấp dẫn hơn đối với các nhóm ngôn ngữ khác”.

Nói về sự pha trộn giữa tiếng Anh và tiếng bản địa thì có lẽ người ta biết nhiều tới Singlish, “tiếng Anh kiểu Singapore”, hơn là Chinglish. Tuy nhiên, tại đảo quốc Sư tử, loại tiếng Anh được xem là không chuẩn đó không được khuyến khích sử dụng. Các cơ quan chính phủ, các cơ sở giáo dục và giới thượng lưu hầu như không xài nó. Các phương tiện truyền thông cũng hạn chế sử dụng Singlish. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, Singlish không nên là một phần bản sắc Singapore. Hai cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu và Gô Chốc Tông cũng từng công khai gọi Singlish là “thứ tiếng Anh dưới chuẩn” và cho rằng nó cản trở sự giao tiếp giữa người Singapore với dân nói tiếng Anh “chính thống”, cũng đồng nghĩa với việc gây bất lợi cho sự phát triển của nước này . Do vậy, từ năm 2000 Chính phủ Singapore đã phát động “Phong trào nói tiếng Anh tốt”.

Ngay tại Trung Quốc, cách đây mấy năm chính quyền Thượng Hải cũng đã phải hối hả nhờ sự trợ giúp của hàng trăm sinh viên để chỉnh sửa những câu tiếng Anh “không giống ai” trên các tấm biển phục vụ cho Triển lãm Thế giới 2010.

Trở  lại bài báo trên Nhân dân Nhật báo. Theo Stephen Matthews, một nhà ngôn ngữ tại Đại học Hồng Công, thì hình như đã có sự phóng đại ở đây. Chuyên gia này cho rằng sự thật là Chinglish không phổ biến bên ngoài Trung Quốc, và những thành ngữ mà bài báo đề cập chỉ được “lưu hành nội bộ” trong một số cộng đồng cư dân mạng trẻ tuổi mà thôi, chứ đâu có “lan ra khắp thế giới”!

LÊ DÂN

 

Chia sẻ bài viết