02/08/2011 - 08:41

CUỘC THƯƠNG LƯỢNG VỀ NÂNG TRẦN NỢ CÔNG Ở MỸ

Bế tắc được khơi thông

Tổng thống Obama thông báo thỏa thuận khung về nâng trần nợ công. Ảnh: Reuters

Ngày 31-7, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố ông đã đạt được thỏa thuận với lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện Mỹ nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc nợ công đang dọa đẩy kinh tế Mỹ và thế giới vào cảnh bất ổn. Tuy nhiên, trong thông điệp từ Nhà Trắng, ông Obama cảnh báo thỏa thuận vẫn chưa được Quốc hội Mỹ thông qua.

Theo thỏa thuận khung được ông Obama thông báo, trần nợ công của Mỹ sẽ được tăng thêm khoảng 2.400 tỉ USD, từ mức 14.300 tỉ USD hiện nay, đủ để Mỹ trang trải chi phí tới năm 2013. Chính quyền Tổng thống Obama cũng sẽ cắt giảm chi tiêu 2.500 tỉ USD, trong đó phần lớn là từ những khoản dành cho phúc lợi xã hội. Ông Obama và các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ nhất trí gần 1.000 tỉ USD cắt giảm trong 10 năm tới sẽ có hiệu lực ngay lập tức. 1.500 tỉ USD còn lại sẽ tiếp tục được thương lượng và kết luận vào ngày 23-11 để Quốc hội thông qua một tháng sau đó. Nếu Quốc hội Mỹ không thực hiện đúng thời hạn này, một khoản cắt giảm tương đương chia đều cho các chương trình quốc phòng và phi quân sự sẽ tự động có hiệu lực từ năm 2013.

Mặc dù thỏa thuận gần như chắc chắn được Thượng viện thông qua dự kiến trong ngày 1-8 (theo giờ Mỹ), nhưng có thể gặp trở ngại tại Hạ viện khi đối mặt với sự phản đối từ các ông nghị Cộng hòa cứng rắn và cả những chính khách thiên tả của Dân chủ vốn cho rằng ông Obama đã nhượng bộ quá nhiều. Với tiến trình như vậy, Quốc hội Mỹ nhiều khả năng sẽ không đạt được thời hạn chót (do Bộ Tài chính đưa ra) vào ngày 2-8. Bộ Tài chính Mỹ cho rằng nếu không nâng trần nợ công từ ngày 2-8, Mỹ sẽ không còn tiền mặt để chi cho tất cả các khoản ngân sách và đối mặt với viễn cảnh vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Ngày 31-7, Nhà Trắng đã ám chỉ rằng thời hạn chót có thể được gia hạn thêm vài ngày để Quốc hội thông qua dự luật giới hạn nợ mới.

Tăng mức trần nợ công là thủ tục bình thường ở Mỹ, nhưng các nghị sĩ Cộng hòa, đặc biệt là những ông nghị bảo thủ đồng minh với phong trào Tea Party (đảng Trà), đã sử dụng vấn đề này như vũ khí gây sức ép với Nhà Trắng hơn tháng qua. Thỏa thuận mới được xem là thắng lợi cho đảng Cộng hòa, vốn cố tình làm giảm uy tín của ông Obama trong nỗ lực tái cử vào năm tới. Thực tế, khủng hoảng đã gây thiệt hại cho ông Obama, khi khảo sát tuần rồi cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông giảm từ 45% xuống còn 40%. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa cũng tổn thất bởi vì sự hợp tác của họ với Tea Party.

Uy tín tài chính của Mỹ cũng bị tác động, đặc biệt trong hơn tuần qua. Các chuyên gia cảnh báo rằng ngay cả khi thỏa thuận mới được thông qua, nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như cũng sẽ bị hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s hạ mức tín dụng an toàn AAA. Động thái này có thể đẩy chi phí vay nợ của Mỹ tăng mạnh. Lãi trái phiếu 10 năm của Bộ Tài chính Mỹ hôm 30-7 tăng tới 2,832% tại Tokyo, so với 2,792% tại New York.

Trong khi đó, các thị trường châu Á có dấu hiệu tích cực sau thông báo của ông Obama. Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật tăng 1,8%, S&P/ASX 200 của Úc tăng 1,9%, Kospi Composite của Hàn Quốc tăng 1,7% và NZX-50 của New Zealand tăng 0,4%. Chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ cũng tăng 182 điểm.

N.KIỆT (Theo Guardian, WSJ, Reuters)

Chia sẻ bài viết