19/02/2011 - 14:15

Bất ổn ở Bahrein gây khó cho Mỹ

Xe tăng được triển khai để giải tán người biểu tình tại Manama hôm 17-2. Ảnh: Reuters

Việc chính quyền Bahrein mạnh tay trấn áp người biểu tình hôm 17-2, buộc nhiều nước phương Tây phải lên tiếng chỉ trích, một lần nữa đặt Washington vào tình thế khó xử đối với đồng minh chiến lược ở vùng Vịnh Persic này.

Trước khi xảy ra cuộc trấn áp, Quốc vương Hamad bin Isa Khalifa đã xuất hiện trên truyền hình tuyên bố sẵn sàng xoa dịu căng thẳng. Tuy nhiên, vài giờ sau, ông đã ra lệnh cho quân đội giải tán đám đông tại Quảng trường Pearl ở trung tâm Thủ đô Manama. Rạng sáng 17-2, cảnh sát chống bạo động đã bắn hơi cay và đạn cao su vào đám đông, làm ít nhất 3 người thiệt mạng. Đến trưa cùng ngày, hàng đoàn xe tăng và xe bọc thép đổ ra các con đường cao tốc ở Manama, rồi dừng lại tại các giao lộ trọng điểm và tại vòng xoay Quảng trường Pearl. Dây kẽm gai cũng được kéo quanh khu vực này, trong khi lều trại của người biểu tình bị dỡ bỏ. Trong 5 ngày biểu tình và xung đột, ít nhất 5 người đã thiệt mạng. Các bác sĩ bệnh viện Salmanyah ở Manama cho biết 226 người biểu tình đang được điều trị và nhiều người đang nguy kịch do bị thương quá nặng.

Chiều 17-2, một quan chức quân đội xuất hiện trên truyền hình, cảnh báo người dân không được tụ tập ở nơi công cộng, và cho biết quân đội sẽ dùng biện pháp “nghiêm khắc” để ngăn chặn. Tuyên bố trên càng khiến người biểu tình nổi giận, họ cho rằng sẽ tìm cách lật đổ hoàng gia dòng Hồi giáo Sunni tại Bahrein. Mohammad Khalil, một người biểu tình, nói: “Ban đầu, chúng tôi muốn cải cách, nhưng hiện nay chúng tôi muốn thay đổi chính quyền này”.

Cuộc trấn áp ở Bahrein, quốc gia nhỏ bé nhưng là trung tâm tài chính ở Vịnh Persic, đã gây bối rối cho Washington, vốn kêu gọi chính quyền Manama kiềm chế và tuyên bố ủng hộ nguyện vọng của người biểu tình. Bahrein cũng là nơi Mỹ đặt căn cứ Hạm đội 5, nhằm giám sát tàu chiến và máy bay chiến đấu thực hiện các nhiệm vụ đường dài tới chiến trường Afghanistan và Iraq, cũng như tuần tra chống cướp biển ngoài khơi vùng Sừng châu Phi và theo dõi các hoạt động của Iran. Tại căn cứ này, tổng cộng có khoảng 6.100 người Mỹ là quân nhân, nhân viên Bộ Quốc phòng, các nhà thầu và gia đình họ.

Do vậy, với chính quyền Tổng thống Barack Obama, ngăn chặn bất ổn tại Bahrein là để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở khu vực này. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gọi điện cho người đồng cấp Bahrein nói rằng “Washington cực kỳ quan ngại về những hành động của lực lượng an ninh Bahrein”.

N. MINH (Theo NYT, WSJ)

Hải quân Mỹ đã có mặt ở Bahrein từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt, trước khi họ tiếp quản một căn cứ của quân đội Anh ở phía Đông Manama, năm 1971, khi Bahrein hoàn toàn độc lập. Căn cứ hải quân rộng hơn 40 ha này nằm ở Juffair, cách trung tâm Thủ đô Manama gần 10 km. Khu vực Hạm đội 5 giám sát gồm vùng biển tiếp giáp 20 nước dọc theo Vịnh Persic, biển Đỏ, Vịnh Oman và một phần của Ấn Độ Dương. Khu vực này bao gồm eo biển Hormuz, kênh đào Suez và eo biển Bab el Mandeb tại mũi đất phía Nam Yemen, tất cả đều là tuyến thông thương chiến lược cho vận tải quốc tế.

 

Chia sẻ bài viết