|
Chủ tịch SNC Ahmed Moaz al-Khatib từ chức có thể khiến lực lượng nổi dậy lâm vào
khủng hoảng. Ảnh: Getty Images |
Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội Facebook, lãnh đạo lực lượng đối lập tại Syrie Moaz Alkhatib đã chính thức từ chức chỉ sau 4 tháng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Syrie (SNC). Quyết định trên của ông Alkhatib được cho có thể làm sâu sắc hơn sự chia rẽ trong hàng ngũ phe đối lập Syrie - đặc biệt là giữa các lực lượng chiến đấu với các nhân vật lãnh đạo chính trị và làm phức tạp thêm những nỗ lực hỗ trợ của phương Tây.
Được biết, tuyên bố từ chức được ông Alkhatib bất ngờ đưa ra sau khi SNC bổ nhiệm ông Ghassan Hitto làm Thủ tướng để lãnh đạo chính phủ lâm thời của lực lượng nổi dậy. “Tôi đã hứa với người dân Syrie rằng tôi sẽ từ chức nếu tình hình nghiêm trọng hơn mức cho phép. Và giờ đây, tôi sẽ thực hiện lời hứa của mình với việc gởi quyết định này tới SNC”- ông Alkhatib giải thích nguyên do và không đưa ra thêm bất kỳ lập luận cụ thể nào khác. Tuy nhiên, ông Alkhatib đã lên tiếng cáo buộc các cường quốc đã lợi dụng cuộc khủng hoảng Syrie để mưu cầu lợi ích riêng, do đó “thông qua việc từ chức, tôi muốn có thể tự do làm việc cho đất nước mà không chịu áp lực từ các yếu tố đối lập cũng như ảnh hưởng từ lợi ích của quốc gia khác khi mà vị trí hiện tại trong liên minh không thể đáp ứng”. Dù vậy, phát ngôn viên của SNC Sanir Ahmed khẳng định với hãng tin Mỹ CNN rằng liên minh đã từ chối quyết định trên và ông Alkhatib sẽ vẫn tiếp tục nắm vai trò lãnh đạo SNC cho đến khi diễn ra cuộc họp tiếp theo.
Ông Alkhatib được phương Tây và các quốc gia Vùng Vịnh bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo phe nổi dậy hồi tháng 11 năm rồi và đóng vai trò ngăn cản ảnh hưởng ngày càng tăng từ mối liên kết giữa mạng lưới al-Qaeda với lực lượng thánh chiến. Do đó, động thái từ chức của ông Alkhatib sẽ khiến phương Tây phải cân nhắc hơn trong những bước đi kế tiếp nhằm hỗ trợ lực lượng nổi dậy.
Trước đó hôm 24-3, Qatar cho biết liên minh đối lập ở Syrie đã chính thức được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn A-rập (AL) dự kiến khai mạc ngày 26-3. Đây được xem là động thái đưa SNC tới gần hơn với mục tiêu tìm kiếm hỗ trợ vũ khí cho cuộc nổi dậy, đồng thời “hợp pháp hóa” việc thay thế Chính phủ Syrie tại AL. Do đó, Michael Stephens thuộc Viện nghiên cứu Royal United Services tại Doha nhận định việc từ chức của Chủ tịch SNC “sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình thực hiện của phe nổi dậy”.
Trong một diễn biến có liên quan, quân đội Israel cho biết đã xảy ra đụng độ và nổ súng đáp trả quân đội Syrie trên Cao nguyên Golan sau khi lực lượng này được cho đã tấn công binh sĩ tuần tra Israel. Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng thừa nhận chính cuộc khủng hoảng ở Syrie là nhân tố quan trọng buộc ông phải lên tiếng xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ hôm 23-3 để khôi phục lại mối quan hệ giữa Israel với Thổ Nhĩ Kỳ để cùng đề ra những biện pháp thích hợp đối phó với những thách thức trong khu vực. Không chỉ vậy, việc Ankara và Tel Aviv tiến tới bình thường hóa mối quan hệ cũng phù hợp với tính toán của Mỹ và trên căn bản còn giúp Washington kiểm soát nội chiến ở Syrie và rộng ra toàn khu vực trên cả hai khía cạnh chống khủng bố và bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng. Tóm lại, cả Israel và Mỹ đều nhận thấy lợi ích từ việc “kéo” Thổ Nhĩ Kỳ về phía mình trong khi Ankara cũng nhận thức rõ nước này cần sự hỗ trợ của Washington nếu những biến động từ Syrie lan qua biên giới và đẩy Ankara vào cuộc khủng hoảng.
VI VI (Tổng hợp)