30/12/2019 - 07:44

Bất cần đồng minh! 

Một nhóm chính khách Đức cuối tuần rồi đã yêu cầu Liên minh châu Âu dựng "tường lửa", cách chơi chữ để nói về biện pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong khối trước lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan dự án "Dòng chảy phương Bắc 2". Gần như đồng thời, tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, trước đây là Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ngày 27-12 cũng lên tiếng chỉ trích lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào các công ty tham gia dự án trị giá 10 tỉ euro do Nga khởi xướng và được Đức nhiệt thành ủng hộ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

 

Những động thái trên diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua dự luật ngân sách quốc phòng, trong đó có điều khoản trừng phạt các tàu thuyền tham gia lắp đặt đường ống cho dự án "Dòng chảy phương Bắc 2"- hành động mà Berlin chỉ trích là can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Trước sức ép từ Mỹ, hãng Allseas của Thụy Sĩ tham gia xây dựng đường ống đã rút các tàu khỏi dự án và hiện việc xây dựng đang bị tạm ngừng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak hôm thứ Sáu khẳng định tàu của nước này sẽ hoàn thiện việc xây dựng đường ống và dự án sẽ sớm hoàn tất. 

Dự kiến khi đi vào hoạt động cuối năm 2020, "Dòng chảy phương Bắc 2" sẽ cho phép Nga tăng đáng kể nguồn cung khí đốt cho Đức qua Biển Baltic. Nhưng theo ông Trump, châu Âu đang phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga và với dự án này, Đức có thể trở thành "con tin" một khi Mát-xcơ-va đe dọa cắt nguồn cung. Còn theo giới quan sát, Washington cũng lo ngại "Dòng chảy phương Bắc 2" sẽ cản trở kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu khí hóa lỏng của họ sang châu Âu.

Thật ra, "quan hệ đặc biệt" Washington-Berlin trước đó đã trải qua nhiều gập ghềnh dưới thời Donald Trump. Dân Đức hiện có cái nhìn không tích cực đối với cường quốc số một thế giới cũng như cá nhân nhà lãnh đạo Mỹ-dù ông Trump mới đây tiết lộ mình có gốc gác ở Đức. Điều này được phản ánh qua cuộc khảo sát hồi tuần rồi của YouGov, trong đó 41% người Đức coi chủ nhân Nhà Trắng là mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình trong số 5 lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Iran, Nga và Triều Tiên. Đáng nói là tỷ lệ đó bỏ rất xa người về nhì là Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (17%), rồi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei (cùng 8%) và cuối cùng là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (7%).

Một khảo sát khác của YouGov hồi đầu tháng 12 thì cho thấy có tới 55% người Đức tin rằng các nước châu Âu là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nên tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công mà không cần sự giúp đỡ của Mỹ; 49% nói Mỹ nên rút về nước một phần hoặc toàn bộ 30.000 binh sĩ đang đồn trú tại Đức; 42% không đồng ý tăng ngân sách quốc phòng, hiện đang ở mức 1,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), dưới sức ép của Washington. Ông Trump lâu nay thường xuyên chỉ trích Berlin lần lữa không chịu tăng ngân sách quốc phòng lên mức "sàn" của NATO là 2% GDP và từng dọa điều lính Mỹ từ Đức sang Ba Lan.

Washington dĩ nhiên cũng không hài lòng khi Berlin phớt lờ cảnh báo nguy cơ an ninh quốc gia lẫn đe dọa không cho tiếp cận dữ liệu tình báo then chốt, vẫn để tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Trong thực tế, cách nhìn của người Mỹ và người Đức về quan hệ song phương cũng khá khác biệt. Khảo sát hồi năm ngoái của Pew cho thấy 2/3 người Mỹ tin rằng quan hệ với Berlin đang tốt, trong khi chỉ có 2/5 người Đức nghĩ như vậy.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết