17/08/2022 - 21:53

Báo động tình trạng phân biệt đối xử ở Đức 

MAI QUYÊN (Theo DW, Politico)

Trong cảnh báo đưa ra ngày 16-8, Ủy viên chống phân biệt đối xử được bổ nhiệm gần đây của Ðức Ferda Ataman cho biết nạn phân biệt đối xử vẫn tồn tại dai dẳng ở nước này, phần lớn liên quan đến phân biệt chủng tộc.

Nữ giới đội khăn trùm đầu ở Đức và Hà Lan phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nghiêm trọng khi xin việc. Ảnh: Getty Images

 

Năm 2021, có 5.617 trường hợp phân biệt đối xử đã được báo cáo lên Cơ quan chống phân biệt đối xử (ADS) của Ðức. Ðây là số lượng vụ việc trong vòng 12 tháng cao thứ hai kể từ khi cơ quan này thành lập vào năm 2006. Theo báo cáo chi tiết, các vụ liên quan phân biệt chủng tộc chiếm nhiều nhất với 37% tổng số khiếu nại chính thức, trong khi kỳ thị dựa trên tình trạng khuyết tật và các bệnh mãn tính chiếm 32%. Tiếp theo là các phàn nàn phân biệt đối xử liên quan giới tính (20%), tuổi tác (10%), tôn giáo (6%), khuynh hướng tình dục (4%) và thế giới quan (3).

So với 6.383 vụ việc của những năm trước đó, bà Ataman cho biết số lượng các vụ phân biệt đối xử được báo cáo lên ADS năm ngoái có giảm nhẹ nhưng tình hình vẫn “đáng báo động”. Dựa vào dữ liệu từ một cuộc khảo sát riêng biệt, người đứng đầu ADS cảnh báo vấn nạn phân biệt đối xử trong thực tế đang lan rộng hơn con số thống kê chính thức bởi luật chống phân biệt đối xử hiện nay vẫn rất yếu. “Người dân ở Ðức bị phân biệt đối xử hàng ngày, đặc biệt là trong thị trường việc làm và công việc kinh doanh; hoặc khi tìm chỗ ở và đôi khi tại các cơ quan công quyền hoặc trên đường phố” - bà Ataman nói thêm.

Tuy vậy, một tín hiệu đáng mừng là ngày càng có nhiều người không chấp nhận sự phân biệt đối xử và chủ động tìm kiếm giúp đỡ từ cộng đồng hoặc cơ quan có thẩm quyền. Ðể ngăn chặn phân biệt đối xử một cách cụ thể, bà Ataman hy vọng các cơ quan hữu trách làm tốt hơn công tác tuyên truyền Luật Bình đẳng, giúp mọi người biết về quyền của họ và hiểu phân biệt đối xử là bất hợp pháp. Cùng với lời kêu gọi có biện pháp pháp lý mạnh mẽ hơn, bà Ataman cho biết chính phủ Ðức nên tạo thêm nhiều cơ hội để những người bị ảnh hưởng “khẳng định quyền của họ”, chẳng hạn kéo dài thời hạn khiếu nại bởi một số vụ như phụ nữ bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ cần thời gian xử lý lâu hơn.

Báo cáo của Ðức được đưa ra giữa lúc châu Âu đang đối mặt tình trạng đáng lo ngại khi xã hội dân sự bị cho ngày càng thu hẹp, còn những luận điệu mang tính định kiến dần ​​trở thành yếu tố chính trị trong toàn khối. Một ví dụ điển hình được nhắc nhiều là sự trỗi dậy của đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) của Pháp, trở thành đảng chính trị đối lập chính tại quốc hội nước này. Hoặc như hồi tháng 7, châu Âu gần như bàng hoàng trước phát biểu của Thủ tướng Hungary Viktor Orban phản đối sự pha trộn giữa các chủng tộc châu Âu và các chủng tộc phi châu Âu, rằng các nước đa chủng tộc “không còn là quốc gia nữa”.

Theo các nhà quan sát, những sự kiện như trên phản ánh việc trở thành một người phân biệt chủng tộc không quá rõ là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được. Nó cũng cho thấy thất bại ở cấp độ châu lục trong việc giải quyết mối đe dọa ngày càng tăng của phong trào cực hữu, hậu quả là sự thay đổi dần dần của chính trị khu vực theo hướng cực hữu, bình thường hóa phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử. Trước tình hình có vẻ nghiêm trọng hiện nay, các nhà phân tích cảnh báo giới lãnh đạo châu Âu nói riêng và các nền dân chủ nói chung phải bắt đầu hành động để hạn chế sự bành trướng của chủ nghĩa cực hữu, xóa bỏ vấn nạn phân biệt đối xử trong nước, khu vực và trên toàn cầu.

Chia sẻ bài viết