30/12/2008 - 10:32

Bangladesh sẽ tái lập nền dân chủ ?

Dù bà Hasina (trái) hay bà Khaleda thắng lợi, tương lai Bangladesh vẫn chưa chắc ổn định. Ảnh: Reuters

Hôm qua 29-12, 81 triệu cử tri Bangladesh đi bỏ phiếu bầu Quốc hội, đánh dấu sự trở lại của nền dân chủ sau gần 2 năm chính quyền quân sự lâm thời ban bố tình trạng khẩn cấp. Các nhà phân tích kỳ vọng kết quả bầu cử sẽ lập ra một chính quyền dân sự ổn định, giúp đất nước Nam Á hơn 140 triệu dân này thu hút đầu tư và viện trợ, đẩy lùi nghèo đói. Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng lời giải cho bài toán trên sẽ không dễ, khi lịch sử chính trường Bangladesh từng chứng kiến quá nhiều bất ổn.

Sau khi giành được độc lập khỏi Pakistan năm 1971, Bangladesh có được nền dân chủ thật sự chỉ một thời gian ngắn, rồi bị “chệch hướng” sau cái chết của Tổng thống Sheikh Mujibur Rahman trong cuộc đảo chính quân sự năm 1975. Sau nhiều năm quân đội nắm quyền, con gái của Tổng thống Mujibur là bà Sheikh Hasina, Chủ tịch Liên đoàn Awami, và lãnh đạo đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) Begum Khaleda Zia, vợ cố Thủ tướng Ziaur Rahman, thay phiên nhau làm thủ tướng Bangladesh suốt 15 năm cho tới cuối năm 2006. Trong thời gian nắm quyền, chính phủ của hai bà luôn bị cáo buộc là tham nhũng và quản lý kém. Và trong thời gian đó, nếu đảng này giành thắng lợi trong bầu cử thì đảng kia lập tức biểu tình phản đối, làm đất nước rơi vào cảnh bất ổn triền miên. Đầu năm 2007, nỗ lực tổ chức cuộc tổng tuyển cử bị hủy bỏ do bạo lực đẫm máu giữa những người ủng hộ Liên đoàn Awami và BNP, buộc quân đội vào cuộc bằng cách trở lại nắm quyền.

Bất chấp chính quyền quân sự lâm thời nỗ lực cải tổ hệ thống chính trị Bangladesh, nhưng Liên đoàn Awami và BNP vẫn là hai đối thủ cạnh tranh gay gắt trong cuộc bầu cử lần này. Cả bà Hasina và Khaleda đều cam kết với cử tri sẽ giảm giá lương thực, chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và ngăn chặn tham nhũng. Họ chủ trương mở ra một nền chính trị mới ở Bangladesh. Tuy nhiên, tham nhũng và quan liêu “bám rễ” quá sâu vào nền chính trị Bangladesh đến nỗi không ai tin rằng chính quyền có thể xóa sạch vấn nạn này chỉ trong vài năm. Hai bà Hasina và Khaleda cũng bị cáo buộc đang nỗ lực xây dựng chế độ gia đình trị và kìm hãm sự vươn lên của thế hệ lãnh đạo mới.

Trong chiến dịch tranh cử, bà Khaleda nói bóng gió về khả năng bác bỏ kết quả bầu cử khi cáo buộc chính phủ và Ủy ban bầu cử âm mưu đảm bảo thắng lợi cho bà Hasina. Điều này có nghĩa là nếu bà Khaleda thất bại, những người ủng hộ BNP có thể sẽ biểu tình phản đối kết quả, dẫn đến nguy cơ bạo lực tái diễn. Ngược lại, những người ủng hộ Liên đoàn Awami có thể sẽ không chịu khoanh tay đứng nhìn nếu bà Hasina không giành được chiến thắng.

Vai trò của quân đội sau khi chính phủ dân sự hình thành cũng là mối quan tâm lớn. Các nhà phân tích cho rằng quân đội sẽ ở phía sau sân khấu chính trị một thời gian nữa, nhằm quan sát chính quyền mới có thể ngăn chặn được nạn tham nhũng và bạo lực hay không. Nếu chính quyền mới thất bại, nhiều khả năng quân đội sẽ trở lại nắm quyền.

N.MINH
(Theo AFP, Guardian, Reuters)

Dù bà Hasina (trái) hay bà Khaleda thắng lợi, tương lai Bangladesh vẫn chưa chắc ổn định. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết