24/08/2007 - 10:56

Bài học để vượt qua bất đồng

Chiến thắng 1-0 trước Arabie Séoudite trong trận chung kết Asian Cup 2007 hôm 29-7 đưa đội bóng đá Iraq lên ngôi địch châu Á lần đầu tiên trong lịch sử. Vinh quang trên cầu trường đã nhen nhóm tia hy vọng mong manh rằng các nhà lãnh đạo xứ sở nghìn lẻ một đêm sẽ gạt sang một bên những mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo vốn gây chia rẽ sâu sắc, đoàn kết hợp sức bình ổn đất nước, mang lại hòa bình cho dân tộc.

Chứng kiến giây phút hàng triệu người khắp đất nước không phân biệt tôn giáo, sắc tộc đã bất chấp tiếng bom đạn vẫn rền vang đổ xuống đường ăn mừng, Thủ tướng gốc Hồi giáo dòng Shiite Nuri al-Malaki đã gọi chiến thắng của đội tuyển bóng đá quốc gia, gồm các cầu thủ dòng Shiite, Sunni và người Kurd, “là bài học để vượt qua những bất đồng hiện tại”. Còn Tổng thống Jalal Talabani (người Kurd) ca ngợi đội tuyển và bày tỏ hài lòng trước chiến thắng lớn này, một chiến thắng mà ông đánh giá là “đã đem lại hạnh phúc cho mọi người dân Iraq và có thể góp phần thống nhất các phe phái”. Phó Tổng thống Tariq al-Hashemi, thuộc dòng Hồi giáo Sunni, kêu gọi các tuyển thủ mang “cuộc trình diễn hiếm hoi của họ về tình đoàn kết dân tộc” tới Chính phủ và Quốc hội Iraq, nơi các quan chức và nghị sĩ vẫn còn nhiều mâu thuẫn với nhau, để kêu gọi các chính khách Iraq hợp tác vì sự thống nhất đất nước.

Thủ tướng Nuri al-Maliki (phải) và Tổng thống Jalal Talabani cùng chạm tay vào chiếc cúp Vô địch bóng đá châu Á 2007 tại tiệc mừng chiến công của đội tuyển bóng đá quốc gia ở Thủ đô Baghdad hôm 3-8. Ảnh: AP

Báo chí Iraq cũng gọi chiến công của những người hùng trên sân cỏ mang lại bài học quan trọng cho giới chính trị nước này khi mà cho tới nay Quốc hội vẫn chưa tìm được sự đồng thuận trong việc thông qua các điều luật về chia sẻ doanh thu từ dầu mỏ và hòa giải dân tộc - những biện pháp tối cần thiết để tiến tới hợp nhất đất nước. Vì sự trì hoãn này mà các nghị sĩ người Shiite và Sunni đã quay sang chỉ trích nhau.

“Đội bóng là thứ duy nhất đang kéo chúng tôi xích lại gần nhau. Tôi hy vọng các chính trị gia hãy nhìn và học tập tinh thần đoàn kết dân tộc từ các tuyển thủ”, anh thanh niên Haiydar Adnan, 29 tuổi, người Shiite nói với phóng viên hãng AP vào hôm đội nhà lọt vào bán kết. Cựu cầu thủ Abdul Hassa nay làm việc ở Bộ Giáo dục Iraq trong lúc hân hoan trước chiến thắng của đội tuyển đã thốt lên: “Không một nhà lãnh đạo Iraq nào có thể kéo chúng tôi lại dưới một ngọn cờ như đội bóng đã làm. Ước gì các chính trị gia có thể rút kinh nghiệm từ một tập thể đã chung sức thi đấu bất chấp khác biệt về tôn giáo và sắc tộc, và họ đã chiến thắng”. Đồng tình với ý kiến trên, Salim Abdullah, thành viên Mặt trận Hòa hợp Iraq dòng Sunni - chính đảng lớn nhất của cộng đồng người Sunni trong Quốc hội Iraq nói: “Các nhà lãnh đạo chính trị nên nhìn nỗi vui mừng của người dân Iraq trên đường phố khi đội nhà chiến thắng để thấy tinh thần đoàn kết của người dân Iraq. Vấn đề ở chỗ là các chính trị gia có thể hợp nhất như một đội bóng, cho dù kết quả có ra sao”.

Không riêng gì thường dân, các tuyển thủ Iraq cũng khao khát hòa bình. Phát biểu tại lễ mừng công ở Các tiểu quốc A-rập thống nhất hôm 1-8, trung vệ Haitha Kazim bộc bạch: “Chúng tôi hy vọng thắng lợi này có thể là bước đệm dẫn tới những điều có ý nghĩa hơn cho quê hương mình. Hy vọng đây sẽ là bước khởi đầu để các nhà lãnh đạo thế giới suy ngẫm thêm về giải pháp khôi phục hòa bình ở Iraq”.

V.Q
(Theo AFP, Times, AP, TTXVN)

V.Q (Theo AFP, Times, AP, TTXVN)

Chia sẻ bài viết