26/05/2022 - 22:47

Bắc Kinh với kế hoạch gây tranh cãi tại Thái Bình Dương 

Tờ The Guardian nhận định Trung Quốc đang theo đuổi thỏa thuận an ninh - kinh tế với các quốc gia Thái Bình Dương mà sẽ giúp mở rộng đáng kể ảnh hưởng của Bắc Kinh tại đây. Động thái này khiến phương Tây và một số lãnh đạo trong khu vực lo ngại sâu sắc.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) đến Quần đảo Solomon sáng 26-5. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) đến Quần đảo Solomon sáng 26-5. Ảnh: AFP

Theo Hãng tin Reuters, Bắc Kinh đã gửi bản dự thảo thông cáo chung và kế hoạch hành động 5 năm tới 10 hòn đảo ở Thái Bình Dương trước thềm cuộc họp do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chủ trì ở Fiji vào ngày 30-5.

Bản dự thảo thỏa thuận đề ra tầm nhìn của Trung Quốc trong việc xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Thái Bình Dương, đặc biệt là các vấn đề về an ninh. Trong đó, Trung Quốc muốn tham gia vào việc đào tạo cảnh sát trung cấp và cao cấp cho các đảo quốc Thái Bình Dương, hợp tác về an ninh mạng, phác họa bản đồ biển và quyền tiếp cận lớn hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Dự thảo thỏa thuận và kế hoạch hành động 5 năm đề cập tới nhiều vấn đề, gồm thương mại, tài chính và đầu tư, du lịch, sức khỏe công cộng và hỗ trợ chống dịch COVID-19, thiết lập hoạt động trao đổi văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc, huấn luyện và học bổng cũng như giảm nhẹ và phòng ngừa thảm họa.

Thỏa thuận cũng tái khẳng định cam kết của Trung Quốc đến năm 2025 tăng tổng kim ngạch thương mại song phương lên gấp đôi so với năm 2018, đồng thời hứa tặng thêm 2 triệu USD cho các đảo quốc Thái Bình Dương để giảm thiểu tác động của COVID-19 và điều 200 nhân viên y tế sang các nước này trong 5 năm tới. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ trao 2.500 suất học bổng cho khu vực, cử 5-10 đoàn nghệ thuật đến đây.

Ngoại trưởng Vương Nghị và lãnh đạo các nước Thái Bình Dương sẽ bàn bạc thỏa thuận khi nhà ngoại giao Trung Quốc công du 8 quốc gia Thái Bình Dương trong 10 ngày, với điểm dừng đầu tiên là Quần đảo Solomon. 

Phía Bắc Kinh hy vọng 10 đảo quốc Thái Bình Dương sẽ thông qua thỏa thuận sâu rộng này tại cuộc họp cấp ngoại trưởng Trung Quốc - các quốc đảo Thái Bình Dương lần thứ hai do Ngoại trưởng Vương Nghị chủ trì ở Fiji vào tuần tới (cuộc họp đầu tiên diễn ra tại Trung Quốc hồi tháng 10-2021 theo hình thức trực tuyến). Ngoài ra, ông Vương sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến, được xem là “chuyến thăm trực tuyến” tới Liên bang Micronesia và gặp gỡ trực tuyến với các lãnh đạo Quần đảo Cook và Niue.

Úc, New Zealand đối phó

Phản ứng trước thông tin về dự thảo trên, tân Ngoại trưởng Úc Penny Wong cho rằng: “Trung Quốc đã làm rõ ý định của họ và đó cũng là ý định của chính phủ mới ở Úc”. Theo đó, bà Wong ngày 26-5 đã đến Fiji và gặp thủ tướng nước này. Đây là tín hiệu ban đầu cho thấy quyết tâm của Canberra nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói rằng Canberra cần phải có động thái phản hồi trước việc Trung Quốc tìm cách đạt được thỏa thuận với 10 đảo quốc Thái Bình Dương. Theo ông Albanese, chính quyền Công đảng mới của Úc cam kết sẽ tăng cường hành động nhằm hỗ trợ các đảo quốc Thái Bình Dương về an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, tăng cường các khoản viện trợ và cho phép công dân tại những đảo quốc này di dân đến Úc.

Không chỉ Úc, New Zealand cũng bày tỏ quan điểm. Trong lúc đang công du Mỹ, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định “Thái Bình Dương là nhà” và các quốc gia trong khu vực là “gia đình” của mình, vì vậy bất cứ khi nào khu vực có nhu cầu về an ninh, “Wellington sẵn sàng đáp ứng”. New Zealand ngày 25-5 đã đạt được thỏa thuận kéo dài sự hiện diện của quân đội nước này tại Quần đảo Solomon.

Trước đó, trong thư gửi tới 21 nhà lãnh đạo ở khu vực, Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo cho biết quốc gia ông sẽ bác “thông cáo chung được định sẵn” của Bắc Kinh vì lo ngại thỏa thuận này có thể châm ngòi cho cuộc “chiến tranh lạnh” mới giữa Trung Quốc và phương Tây.

Trung Quốc hiện chi phối các ngành khai thác tài nguyên tại Thái Bình Dương. Theo phân tích dữ liệu thương mại của The Guardian, sản lượng khai thác của Trung Quốc chiếm hơn phân nửa tổng sản lượng hải sản, gỗ và khoáng sản xuất khẩu từ khu vực Thái Bình Dương vào năm 2019. Chỉ trong một năm, tổng sản lượng của Trung Quốc khai thác trị giá đến 3,3 tỉ USD, được giới chuyên môn mô tả là “gây choáng”. Khảo sát các tàu hoạt động tại Thái Bình Dương vào năm 2016 cho thấy các tàu mang cờ Trung Quốc vượt trội hơn về số lượng. Nước này có 290 tàu công nghiệp có giấy phép hoạt động trong khu vực vào thời điểm đó, chiếm hơn 1/4 tổng thể, và vượt tổng số 240 tàu của các đảo quốc Thái Bình Dương.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết