17/07/2021 - 08:10

Ba Lan leo thang cuộc chiến pháp lý với EU 

Trận chiến pháp lý giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ba Lan xung quanh cải cách tư pháp mà chính quyền Warsaw thúc đẩy ngày càng bế tắc, làm dấy lên câu hỏi về tương lai tư cách thành viên của quốc gia Đông Âu.

Người biểu tình phản đối quy định mới của Chính phủ Ba Lan về quyền phụ nữ. Ảnh: Getty Images

Người biểu tình phản đối quy định mới của Chính phủ Ba Lan về quyền phụ nữ. Ảnh: Getty Images

Cuối năm 2017, Quốc hội Ba Lan thông qua dự luật cải cách Tòa án Tối cao với nhiều điểm mới liên quan quy trình bổ nhiệm, sa thải cũng như quyền hạn và nghĩa vụ của các thẩm phán, chánh án tại các cấp tòa án ở nước này. Chính quyền Thủ tướng Mateusz Morawiecki coi đây là điều cần thiết để giải quyết nạn tham nhũng và đại tu hệ thống tư pháp.

Ngược lại, EU cáo buộc đảng cầm quyền bảo thủ Pháp luật và Công lý Ba Lan (PiS) chính trị hóa bộ máy tư pháp và đi ngược lại các giá trị dân chủ mà khối này đề cao. Hồi tháng 3, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa Ba Lan ra Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) vì cho rằng cuộc cải cách nói trên “làm suy yếu” tính độc lập của ngành tư pháp Ba Lan. Trong phán quyết ngày 15-7, ECJ khẳng định phần trọng tâm trong kế hoạch cải tổ tư pháp của Warsaw không tương thích với luật pháp EU. Trách nhiệm của Ba Lan hiện nay là đưa ra biện pháp cần thiết tháo gỡ khúc mắc liên quan kế hoạch cải tổ, nếu không có thể bị phạt tài chính theo quy tắc của khối.

Trước đó, những người bảo thủ ở Ba Lan nhiều lần khẳng định EU đang vi phạm quyền lực riêng của nước này, rằng tư pháp và tòa án là vấn đề nội bộ của một quốc gia, do các cơ quan có thẩm quyền và luật pháp Ba Lan quyết định chứ không phải Brussels. Hôm 13-7, Tòa án Hiến pháp Ba Lan còn ra phán quyết khẳng định mọi phán quyết của ECJ chống lại cải tổ ngành tư pháp đều không phù hợp với Hiến pháp Ba Lan. Cơ quan này cũng đang cân nhắc luật của EU hay Ba Lan có ưu thế hơn ở trong nước.

Giới quan sát nói gì

Trước cuộc đối đầu giữa EU và Ba Lan, nhiều chuyên gia pháp lý cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào để tìm cách phạt quốc gia này nhưng bỏ qua cho thành viên khác vì không tuân thủ các quyết định của ECJ sẽ bị coi là bất hợp pháp và phá vỡ lòng tin trong khối. Trong khi số khác cho rằng phán quyết của Tòa án Hiến pháp Ba Lan là một bước có chủ ý làm suy yếu sức mạnh của luật pháp EU, mở đầu cho xu hướng rời bỏ trật tự pháp lý của khối. Theo thẩm phán cao cấp người Hà Lan Kees Sterk, luật châu Âu sẽ không còn hiệu lực nếu một quốc gia áp dụng còn nước khác thì không. Riêng cựu Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk dự báo đảng PiS từng bước đưa Warsaw rời khỏi liên minh.

Gia nhập EU vào năm 2004, quan hệ giữa Ba Lan và Brussels rơi vào xung đột kể từ khi đảng PiS nắm quyền vào năm 2015 và khởi xướng chương trình cải cách tư pháp sâu rộng. Nhiều người nhìn nhận liên minh cánh hữu ở Warsaw có thể được cổ động bởi những quốc gia đã và đang tiếp tục thách thức các ranh giới của luật pháp EU và những giá trị nền tảng. Trong bối cảnh này, sự ra đi của Ba Lan (Polexit) có thể được nhắc đến, đặc biệt khi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ba Lan coi mô hình Anh rời EU như tiền lệ củng cố tính hợp pháp trong những tuyên bố về pháp quyền.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khả năng Polexit khó xảy ra bởi Warsaw và kể cả Hungary đều nằm trong số những thành viên hưởng lợi nhiều nhất từ EU. Nhưng cũng chính việc một số nước không còn tuân theo các quy tắc chung trong khi vẫn nhận hỗ trợ tài chính của khối khiến những thành viên còn lại không thể tiếp tục chấp nhận. Vì vậy, EU được dự đoán sẽ không dễ dàng nhượng bộ đối với những vi phạm về tiêu chuẩn dân chủ của liên minh. Hôm 15-7, khối này đã khởi động hành động pháp lý chống lại Ba Lan và Hungary vì vi phạm các quyền cơ bản liên quan cộng đồng người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới và đa dạng giới (LGBTQ). Đây là mâu thuẫn mới nhất giữa liên minh và hai nước thành viên ở Đông Âu sau các cáo buộc vi phạm độc lập tư pháp, tự do truyền thông và quyền của phụ nữ.

MAI QUYÊN (Theo AFP, France 2)

Chia sẻ bài viết