05/05/2013 - 20:43

Bản tính khó dời

Cách nay khoảng một tuần, tờ Thời báo New York của Mỹ tiết lộ Cục Tình báo Trung ương (CIA) đã bơm hàng chục triệu USD cho văn phòng của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai. Những khoản chi tiền mặt hàng tháng này được cho là dùng để mua chuộc lòng trung thành của nhà lãnh đạo quốc gia Nam Á. Tuy nhiên, theo tờ báo trên, dòng tiền bí mật mà giới lãnh đạo CIA "tài trợ" cho chính quyền Afghanistan rốt cuộc đã tiếp tay cho nạn tham nhũng nhiều hơn là những mục đích hữu ích khác – một cáo buộc mà Washington kịch liệt phản đối.

Thật ra, những lời tố cáo như trên không có gì bất ngờ, bởi CIA vốn có một lịch sử lâu đời về chuyện tung tiền mua chuộc các nhà lãnh đạo thân thiết.

Lần đầu tiên là vào năm 1948, khi Đảng Cộng sản ở Ý có nhiều khả năng thắng cử, CIA đã tung ra một số tiền khổng lồ để ủng hộ đảng chính trị mà họ ưa thích – đảng Dân chủ Thiên chúa giáo. Kết quả là đảng này đã chiến thắng. Tuy nhiên, khi CIA muốn tái diễn chiến lược của mình trong cuộc tổng tuyển cử ở Ý năm 1970, họ đã mù mờ hậu thuẫn tài chính cho một phe phái nhuốm màu chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa phát xít mới, với kết cục là hoàn toàn thất bại.

Không phải một lần, mà mô hình "thành công tiếp nối bằng thất bại" đã trở nên quen thuộc trong lịch sử của CIA.

Sự kiện CIA lật đổ chính phủ dân cử của Thủ tướng Iran Mohammad Mossadegh năm 1953 được xem là một "thành công" của cơ quan tình báo của Mỹ vì đã ngăn cản ảnh hưởng của Liên Xô (cũ) tại khu vực Trung Đông và bảo đảm một phần trong các nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Sau cuộc đảo chính ấy, CIA đã chuyển hàng triệu USD tiền mặt cho Fazlollah Zahedi, người thay Mossadegh giữ chức thủ tướng, cũng như giúp ông hoàng Mohammed Reza Pahlevi tái dựng quyền lực. Trong suốt 26 năm ngồi trên ngai vàng sau đó, Pahlevi luôn có thái độ biết ơn Mỹ, cho đến khi bị lật đổ năm 1979 bởi cuộc Cách mạng Hồi giáo. Một lần nữa, chiến lược "đầu tư" cho những người đứng đầu chính quyền một nước của CIA lại rơi vào bế tắc.

Và khi đối mặt với khó khăn trong việc kích động đảo chính, CIA sử dụng một công cụ đặc biệt hơn, đó là ám sát. Ví dụ vào năm 1961, khi Tổng thống đời 34 của Mỹ Dwight Eisenhower nhận thấy Thủ tướng Congo Patrice Lumumba có khả năng biến nước này thành một Cuba ở châu Phi, ông đã ra lệnh hạ sát nhà lãnh đạo này. CIA đã thực hiện nhiệm vụ rồi sau đó mạnh tay tài trợ tiền của và vũ khí cho chính quyền do Mobutu Sese Seko đứng đầu. Người này về sau đã chứng tỏ là một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ trong thời Chiến tranh lạnh, song ông cũng chỉ mang lại cho đất nước Congo sự hỗn loạn và đầy rẫy bạo lực.

Rõ là, CIA lâu nay vẫn như thế.

THANH TRÚC (Theo Philly.com)

THANH TRÚC (Theo Philly.com)

Chia sẻ bài viết